Rải vụ cây ăn quả tăng gấp đôi hiệu quả

15:55' - 13/07/2021
BNEWS Năm loại cây ăn quả là thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Bình Thuận (thanh long) có tổng diện tích chiếm trên 66% tổng diện tích thu hoạch.

Hiện nay, việc rải vụ cây ăn quả được các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long quan tâm chỉ đạo, nông dân có nhiều kinh nghiệm và áp dụng thành công quy trình kỹ thuật. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả kinh tế của rải vụ 5 loại cây ăn quả như: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn tăng hiệu quả từ 1,5 - 2 lần so sản xuất chính vụ. 

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, 5 loại cây ăn quả là thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Bình Thuận (thanh long) có tổng diện tích là 132,2 nghìn ha; trong đó rải vụ 73,8 nghìn ha, chiếm 66,4% tổng diện tích thu hoạch; sản lượng rải vụ 1.248,4 nghìn tấn, chiếm 57,1% tổng sản lượng.

Cây trồng rải vụ cao nhất là thanh long với 45,1 nghìn ha, đạt gần 91% tổng diện tích thu hoạch. Tiếp đến là sầu riêng với 6,3 nghìn ha, chiếm gần 53% tổng diện tích thu hạch; xoài là 11,2 nghìn ha, chiếm trên 47%; chôm chôm 3,1 nghìn ha, tương đương 46,6%; nhãn là  8,1 nghìn ha, tương đương 42,2%.

So với kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra đến năm 2020, rải vụ 5 loại cây ăn quả trên, đến nay rải vụ thanh long vượt 30,2 nghìn ha, chôm chôm vượt 1,1 nghìn ha, sầu riêng vượt 0,3 nghìn ha; riêng nhãn ít hơn 5 nghìn ha, xoài ít hơn 1,3 nghìn ha.

Từ khi có COVID-19, sản xuất rải vụ 5 loại trái cây tại Nam Bộ gặp khó khăn về tiêu thụ, bởi đại dịch ảnh hưởng đến xuất khẩu, đặc biệt thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, do điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài tại các tỉnh ven biển ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển một số diện tích cây ăn quả thiếu nước tưới, một số nông dân không tiến hành rải vụ tại các vùng thiếu nước tưới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông rải vụ thu hoạch trái cây được các viện, trường và cơ quan chuyên môn nghiên cứu chuyển giao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.

Thời gian tới, Viện Cây ăn quả miền Nam tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình rải vụ 5 loại cây ăn trái trên. Các tỉnh khi mở rộng rải vụ cây ăn trái, cần hỗ trợ, thúc đẩy liên kết sản xuất, sản xuất rải vụ phải gắn với đầu ra của sản phẩm.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương tùy theo tình hình nguồn nước để bố trí rải vụ hợp lý. Đối với các tỉnh như Đồng Tháp, Vĩnh Long, một phần Long An, Tiền Giang có thể áp dụng các biện pháp rải vụ thu hoạch đối với thanh long, sầu riêng, xoài, chôm chôm, nhãn. Đối với các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, một phần Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An cần chuẩn bị các phương án cung cấp đủ nước ngọt cho vườn cây suốt vụ, và có biện pháp xử lý khi tình hình bất trắc có thể xảy ra.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân đã áp dụng các giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn khá hiệu quả như: tích trữ nước ngọt; hạn chế bốc thoát hơi nước bằng tủ gốc với các nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, lá dừa, cỏ khô… hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây. Nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ giúp đất giữ ẩm tốt, hạn chế bốc thoát hơi nước. Khi vườn cây bị hạn, mặn bón bổ sung phân sulphate kali, vôi bột, khi hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn, cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa, trái non để hạn chế thoát hơi nước.

Hiện nay, các đối tượng cây trồng chủ lực của vùng Nam bộ như sầu riêng, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, cam, mít, bơ, chuối, chanh, na … đang được nông dân đẩy mạnh đầu tư sản xuất, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long diện tích cây ăn quả từ năm 2010 đến 2020 liên tục tăng. Năm 2010 diện tích cây ăn quả 287,3 nghìn ha, đến năm 2020 là 377,7 nghìn ha, tăng 90,4 nghìn ha. Đến năm 2020, ngoại trừ cây nhãn có diện tích giảm 9 nghìn so với năm 2010; các cây ăn quả khác đều tăng như thanh long, sầu riêng, dứa, xoài, bưởi, chuối, chôm chôm, mít, canh…

Năm 2020 sản xuất cây ăn quả cả nước có diện tích 1.133,8 nghìn ha, tăng 86,2 nghìn ha so với năm 2019. Vùng Nam Bộ có diện tích cây ăn quả 505 nghìn ha, bằng 44,6% diện tích cả nước; trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long 377,7 nghìn ha, bằng 33,3% so với cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục