Đã có gần 89.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19

16:28' - 21/04/2022
BNEWS Tính đến hết ngày 20/4, cả nước đã có 88.820 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Sau một tuần triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tính đến hết ngày 20/4, cả nước đã có 88.820 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 2 đợt với tổng số hơn 2,3 triệu liều vaccine. Công tác tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi này tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu "tiêm đến đâu an toàn đến đó".

 

Kể từ ngày khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Quảng Ninh vào ngày 14/4, đến nay, hàng chục địa phương trong cả nước đã lần lượt triển khai tiêm chủng cho trẻ ở lứa tuổi này.

Ngày 21/4, thành phố Cần Thơ đồng loạt triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn. Đợt đầu tiên sẽ tiêm cho nhóm tuổi từ 11 tuổi, trẻ đang học lớp 6 tại các trường và cơ sở giáo dục.

Trong đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em lần này, đồng loạt 9 quận huyện sẽ tổ chức tiêm tại 69 điểm tiêm tại các địa điểm trường học trên địa bàn.

Theo thống kê, tổng số trẻ trong độ tuổi là 130.595 trẻ, trong đó số trẻ đang học tại các trường, cơ sở giáo dục là 126.661 trẻ, số trẻ tại cộng đồng là 3.934 trẻ.

Tại Hà Nội, từ ngày 16/4 đến nay đã tiêm được 33.382 mũi 1 vaccine COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và chưa ghi nhận các trường hợp bị phản ứng nặng sau tiêm. Tại một số quận, huyện đã triển khai tiêm xong cho học sinh lớp 6 đủ điều kiện và tiếp tục tiêm cho học sinh lớp 5, lớp 4, hạ dần độ tuổi cho lớp 3, 2, 1.

Với hơn 1 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Hà Nội đặt mục tiêu 95% trẻ trong lứa tuổi này sẽ tiêm đủ mũi vaccine COVID-19.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi đợt 1 được triển khai từ ngày 16- 30/4. Ước tính trên địa bàn thành phố hiện có 898.537 trẻ trong độ tuổi cần tiêm trong đợt này.

Ngày 20/4, ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu triển khai công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5 – dưới 12 tuổi trên địa bàn.

Huyện miền núi A Lưới là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức tiêm với 600 liều. Theo kế hoạch, đợt này toàn huyện A Lưới tiêm cho 556 em học sinh khối lớp 6 và 44 em học sinh khối lớp 5, số trẻ còn lại sẽ tiếp tục tiêm khi có vaccine và giảm dần độ tuổi.

Cũng trong ngày 20/4, thành phố Hải Phòng đã triển khai ngày đầu tiêm chủng cho trẻ từ 5 - 12 tuổi bằng việc tiêm thí điểm tại 3 trường THCS với gần 500 học sinh khối 6…

Tại cuộc khảo sát trực tuyến mới đây do Viện Chiến lược và chính sách y tế thực hiện đối với 415.000 phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, có tới 60,6% ý kiến đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý.

Trước băn khoăn của một số phụ huynh về việc có nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ trong lứa tuổi này, các chuyên gia y tế cho biết, số liệu thống kê cho thấy, trẻ em dưới 18 tuổi có ít nguy cơ tử vong do COVID-19 và nếu mắc bệnh thì bệnh cũng thường nhẹ hơn so với các nhóm tuổi khác.

Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp trẻ mắc COVID-19 tiến triển nguy kịch, thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh nhưng việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra. Do đó, để bảo vệ trẻ thì vaccine chính là chìa khóa hiệu quả.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai thì khẳng định, việc tiêm vaccine COVID-19 là vô cùng cần thiết để phòng bệnh cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đặc biệt, những trẻ đã khỏi COVID-19, trẻ có tiền sử bệnh tật, dị ứng, bệnh mạn tính... cũng nên được tiêm phòng như người lớn và trẻ lớn, tuy nhiên cần chú ý thận trọng.

Đối với những trẻ có bệnh lý mạn tính nên được tiêm, song một số trẻ đang có bệnh cấp tính hoặc đợt cấp của bệnh mạn tính đang phải điều trị thì nên trì hoãn tiêm sau và cần tư vấn của nhân viên y tế để được tiến hành tiêm ngay khi có thể.

Những trẻ này khi tiêm và sau tiêm nên được theo dõi sát sao tại cơ sở y tế. Phụ huynh cũng cần theo dõi sát sao trẻ trong những ngày đầu sau tiêm, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc biểu hiện bệnh cũ nặng lên, cần đến bệnh viện khám và đánh giá ngay.

Ở những trẻ có tiền sử dị ứng thì cần được tư vấn, đánh giá của nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ Nhi khoa để có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo quyền lợi được tiêm phòng cho các cháu.

Những trẻ đã khỏi COVID-19 vẫn nên được tiêm chủng, tuy nhiên thời điểm phụ thuộc vào từng trường hợp. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau 3 tháng mắc COVID-19, trẻ nên được tiêm phòng. Tuy nhiên tùy tình trạng sức khỏe, yếu tố nguy cơ của trẻ có thể tiến hành sớm hơn, cần phải được tư vấn cụ thể của các nhân viên y tế trong từng trường hợp.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết theo thống kê, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong số đó, ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý II/2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục