Đa dạng các kênh thanh toán học phí không tiền mặt

17:44' - 20/10/2023
BNEWS Hầu hết các trường công lập trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai, chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thu học phí. 

Sau gần 10 năm triển khai và áp dụng rộng rãi ở các trường học, việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã phần nào giảm áp lực xếp hàng, chờ thanh toán cho phụ huynh trong những ngày đầu năm học. Đáng chú ý, việc đa dạng các kênh thanh toán học phí đang được áp dụng rộng rãi cũng đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh.

Thanh toán học phí ngày càng đơn giản hơn

Lần đầu cho con theo học ở một trường mẫu giáo công lập trên địa bàn, chị Anh Thư, ở phường Hòa Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh không khỏi bất ngờ với việc thanh toán học phí cho con lại đơn giản, dễ dàng như vậy.

Chị Thư cho biết, sau khi nhận phiếu thu tiền học, chị chỉ cần quét mã VietQR với số tài khoản thanh toán tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và có thể thanh toán từ một tài khoản ngân hàng bất kỳ. Đặc biệt, số tài khoản này đã được mã hóa tên học sinh với số tiền thanh toán cụ thể cho từng tháng nên phụ huynh sẽ không bị nhầm lẫn.

"Tôi không nghĩ các ngân hàng giờ lại phối hợp chặt chẽ với trường học như vậy để có thể mã hóa số tài khoản cho từng học sinh. Chỉ với vài thao tác, thực hiện trong 1-2 phút là xong, phụ huynh không còn cảnh xếp hàng, hay đối chiếu, tra soát chứng từ thanh toán như trước đây báo chí thường phản ánh nữa", chị Thư chia sẻ.

Không chỉ thanh toán trực tuyến qua ngân hàng, việc thanh toán học phí hàng tháng còn được các trường áp dụng theo hướng tích hợp với các ứng dụng, phần mềm quản lý học sinh.

Chị Hoàng Tuyết có con học ở Trường Trung học cơ sở Hoa Lư (Tp. Thủ Đức) cho biết, trường sử dụng phần mềm Vietschool trong quản lý học sinh, trong đó có tích hợp tính năng thanh toán học phí. Phần mềm này giúp phụ huynh có thể tra cứu, theo dõi và quản lý thông tin học sinh một cách thuận tiện nhất, từ việc cập nhật thông tin về thời khóa biểu, điểm số, các hoạt động học tập của con ở trường đến trao đổi thông tin với giáo viên… Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể thanh toán trực tiếp vào tài khoản nhà trường thông qua hình thức chuyển khoản, quét mã QR.

Tại Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Quận 3), phụ huynh được hướng dẫn dẫn thanh toán học phí bằng nhiều cách. Theo đó, với hình thức thanh toán thông qua ứng dụng ngân hàng, phụ huynh truy cập vào của bất cứ ngân hàng nào mình có tài khoản và quét mã QR được cung cấp kèm theo giấy báo nộp tiền để tiến hành thanh toán.

Cùng với đó, phụ huynh cũng có thể thanh toán các khoản thu thông qua website hocphi.emis.one. Cụ thể, khi truy cập vào website này phụ huynh điền "mã thanh toán" của từng học sinh để tra cứu và thanh toán các khoản thu. Phụ huynh cũng có thể thanh toán học phí tại các điểm thu hộ theo thông báo của nhà trường.

Thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trương Công Định (quận Bình Thạnh) cho biết, năm nay trường dự kiến thu học phí qua hình thức chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản nhà trường bằng mã QR. Cụ thể, nhà trường mua một phần mềm quản lý các khoản thu, tạo mã QR của từng học sinh với đầy đủ thông tin về tài khoản nhận của nhà trường, thông tin học sinh, số tiền phải đóng theo tháng. Trong phiếu thông báo khoản thu hàng tháng sẽ gửi kèm mã QR này tới phụ huynh.

"Với hình thức này, phụ huynh chỉ cần vào ứng dụng ngân hàng mà mình có tài khoản, quét mã QR và tiến hành thanh toán sau khi kiểm tra các thông tin. Phụ huynh không mất phí hàng tháng cũng như phí giao dịch ở mỗi lần đóng học phí. Năm trước, trường thu học phí thông qua một đơn vị trung gian thanh toán, tuy nhiên nhiều phụ huynh không hài lòng bởi mức thu phí dịch vụ còn khá cao", thầy Phạm Thái Hổ chia sẻ.

Nâng tỷ lệ thanh toán không tiền mặt

Thực tế, hầu hết các trường công lập trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai, chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thu học phí. Việc các trường chủ động đa dạng kênh thanh toán học phí không tiền mặt cũng tạo rất nhiều thuận tiện cho phụ huynh.

Theo ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, từ năm 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Sau gần 10 năm triển khai, hiện giáo dục cũng là lĩnh vực thành công nhất về thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực công trên địa bàn.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu triển khai mô hình cũng gặp không ít khó khăn. "Thời gian đầu thực hiện, chúng tôi lựa chọn mô hình không đúng, triển khai giống như chia một "miếng bánh", phân cho một ngân hàng được quản lý một số lượng trường nhất định. Phương thức thanh toán là thẻ thanh toán của riêng ngân hàng đó với điều kiện phụ huynh phải mở tài khoản tại ngân hàng. Điều này rõ ràng không đảm bảo lợi ích của phụ huynh nên mô hình nhanh chóng thất bại, các ngân hàng tham gia cũng rút dần", ông Cường cho biết.

Ngay sau đó, ngành giáo dục và ngân hàng thành phố đã phải ngồi lại rút kinh nghiệm cũng như nghiên cứu, lựa chọn mô hình thanh toán học phí mới với mục tiêu đem lại lợi ích cao nhất cho phụ huynh, phụ huynh có tài khoản ở bất kỳ ngân hàng nào cũng thanh toán được.

Để thực hiện mô hình này, đòi hỏi phải có đầu tư công nghệ, tức là phải xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về học phí. Đơn vị công nghệ phải triển khai phần mềm kế toán tới từng trường học, từ đó tập trung cơ sở dữ liệu để kết nối chia sẻ cho các ngân hàng, công ty ví điện tử… Từ đó, mới xây dựng các ứng dụng thanh toán, đáp ứng nhu cầu phụ huynh có bất kỳ tài khoản ngân hàng cũng thanh toán được.

Dù được cho là thành công nhất, song việc thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục cũng đang gặp không ít thách thức, vẫn chưa vượt qua được thói quen cố hữu trong việc sử dụng tiền mặt của không ít người dân và những lo ngại trong vấn đề bảo mật tài khoản thanh toán.

Chị Thu Phương, ở Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, việc thu học phí không tiền mặt ở mỗi trường áp dụng khác nhau, phần lớn mang lại sự thuận tiện cho phụ huynh. Tuy vậy, việc thanh toán qua một ứng dụng trung gian lại có chút bất cập.

Bên cạnh việc phải tải ứng dụng về thiết bị, việc thanh toán qua ứng dụng này cũng khiến phụ huynh lo ngại về vấn đề bảo mật khi phải liên kết tài khoản ngân hàng mới có thể thanh toán. Hơn nữa, không phải ngân hàng nào cũng liên kết được với ứng dụng mà trường đang sử dụng.

"Các thao tác thanh toán qua ứng dụng này khá rối với những phụ huynh không rành công nghệ. Chưa kể, một số ứng dụng trung gian áp dụng phí thanh toán quá cao, có khi lên tới 16.500 đồng/lần giao dịch, trong khi chuyển khoản ngân hàng lại không mất phí", chị Phương chia sẻ.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh cho biết, dù Sở có yêu cầu 100% trường học phải quản lý việc thanh toán thu chi không dùng tiền mặt, tuy nhiên, thực tế, qua thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn có một số trường còn sử dụng tiền mặt.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh, hiện 100% các trường học trên địa bàn đã áp dụng thanh toán không tiền mặt trong thu học phí, song vẫn còn không ít phụ huynh thanh toán bằng tiền mặt. Thực tế vẫn còn bộ phận phụ huynh lao động tự do, không rành công nghệ nên chưa thể thanh toán 100% không tiền mặt.

Trước tình hình này, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu các trường học phải đa dạng hóa các kênh thanh toán để cha mẹ học sinh, người học có nhiều lựa chọn, thuận tiện trong thanh toán học phí và các khoản thu khác; không tạo lợi thế cho bất kỳ ngân hàng hay đơn vị trung gian thanh toán để gây khó khăn cho cha mẹ học sinh, người học trong thanh toán học phí và các khoản thu khác.

Thời gian tới, ngành giáo dục thành phố tiếp tục phối hợp với các ngân hàng đẩy mạnh truyền thông để nâng dần tỷ lệ thanh toán không tiền mặt ở mỗi nhà trường. Qua đó, góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục