Đa dạng hóa hình thức đầu tư, xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao

10:46' - 14/07/2020
BNEWS Sản xuất nông nghiệp ở Tuyên Quang đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Tuyên Quang là tỉnh miền núi với điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp… theo hướng hàng hóa, vì vậy, 5 năm qua để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm.

Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp ở Tuyên Quang đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Tái cơ cấu nông nghiệp

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Sở đã thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 -2020.

Theo đó, Sở đã tiến hành tham mưu để quy hoạch sử dụng đất lúa, quy hoạch trồng trọt và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn; tiến hành kiên cố hóa kênh mương theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, sản xuất.

Đồng thời, vận động người dân tận dụng và phát huy lợi thế, tiềm năng diện tích đất, mặt nước các loại hình ao, hồ (hồ thủy lợi, thủy điện), sông để đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, tăng tỷ trọng cá đặc sản; thực hiện rà soát, điều chỉnh hợp lý quy hoạch phân 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, rà soát, thay thế nguồn giống kém bằng giống chất lượng cao, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC…

Bên cạnh đó, Sở đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, tích cực hướng dẫn các hộ sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế, tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh việc kết nối doanh nghiệp thực hiện liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm...

Với các giải pháp được triển khai đồng bộ đến nay, ngành nông nghiệp Tuyên Quang đã có bước phát triển mạnh, lĩnh vực trồng trọt đang chuyển dịch theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất (diện tích sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hiện đạt 1.693 ha, tăng 1.234 ha so với năm 2015).

Phương thức chăn nuôi đã chuyển dịch mạnh sang chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại, chăn nuôi an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; chăn nuôi tập trung phát triển theo lợi thế của từng vùng và địa phương

Tỉnh đã kiên cố được trên 1.000 km kênh mương (kiên cố bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn được 938 km) phục vụ sản xuất nông nghiệp; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) năm 2020 ước đạt 8.778 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 4,19%/năm; 36/124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 29%. Dự kiến, hết năm 2020, có 47 xã/124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hơn 37%; tỷ lệ che phủ của rừng trên 65% …

Cùng với đó, phát triển sản xuất lâm nghiệp là điểm nổi bật của ngành nông nghiệp Tuyên Quang trong 5 năm qua. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trong 5 năm đạt trên 4 triệu m3, đáp ứng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh; trồng rừng tập trung trên 55.500 ha, vượt 4,8% so với mục tiêu Nghị quyết.

Tỉnh có trên 25.300 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC (tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC)…

Nhờ trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, đời sống của người trồng rừng ở Tuyên Quang đã có nhiều thay đổi. Ông Ma Văn Duệ, Phó Chủ tịch UBND xã Công Đa, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết, Công Đa là xã 135 còn nhiều khó khăn.

Xã hiện có 124 hộ dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, với tổng diện tích hơn 448 ha. Rừng được cấp chứng chỉ đã và đang giúp các hộ dân ở Công Đa vươn lên thoát nghèo bền vững với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.

Ông Bùi Quang Chung, thôn Khuân Bén, xã Công Đa cho biết, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC có rất nhiều ưu điểm rừng được quản lý bền vững hơn, chăm sóc rừng theo đúng kỹ thuật… nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng cao, đầu ra ổn định…

Ngoài ra, rừng được cấp chứng chỉ FSC giá gỗ bán cao hơn rừng thường từ 15 - 20%. Gia đình ông có 7 ha rừng keo đã được cấp chứng chỉ FSC. Năm 2018, gia đình ông khai thác 3,8 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 120 triệu đồng/ha. Nhờ đó, đời sống kinh tế của gia đình đã được nâng lên nhiều…

 

Đa dạng hóa các hình thức đầu tư

Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, ngành nông nghiệp Tuyên Quang vẫn còn nhiều hạn chế như việc khai thác, phát huy lợi thế phát triển nông nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng; sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, chưa gắn với thị trường.

Lĩnh vực chăn nuôi vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của sự biến động thị trường, tốc độ phát triển đàn lợn, đàn trâu chưa đảm bảo mục tiêu. Nông sản hàng hóa được sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn được công nhận còn ít, chưa có sản phẩm có chỉ dẫn địa lý; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm còn hạn chế …

Chia sẻ về phương hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo, tham mưu thực hiện ổn định vững chắc an ninh lương thực; nâng cao năng suất, giá trị, năng lực cạnh tranh nông sản Tuyên Quang. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu giống lúa và cây trồng cho phù hợp; phát triển cây trồng có lợi thế tại các địa phương gắn với phát triển du lịch và tiêu thụ.

Đồng thời, liên kết, tích tụ quỹ đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở khai thác thế mạnh của tỉnh, từng bước xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cải tạo tầm vóc đàn đại gia súc, nhất là đàn trâu, bò; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; làm tốt công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, Sở sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hút đầu tư trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái; ứng dụng công nghệ trong quản lý, sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống cây lâm nghiệp chu kỳ ngắn, năng suất, hiệu quả cao.

Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”; đa dạng hóa các hình thức đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân…

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm; có trên 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; duy trì độ che phủ của rừng ổn định trên 60%.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục