Đa dạng hóa hình thức hợp đồng dầu khí

08:32' - 25/10/2022
BNEWS Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 4, ngày 25/10, Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Sau đó, dự thảo luật sẽ được chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên họp ngày 14/11.

Sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí là nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành dầu khí, đảm bảo an ninh năng lượng, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đồng bộ hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về dầu khí, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Ngày 25/10, Quốc hội sẽ thảo luận về một vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).Ảnh: TTXVN

Hiện nay, hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo đều đang khai thác với mức độ suy giảm sâu về sản lượng. Các mỏ mới dự kiến đưa vào phần lớn là các mỏ có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ, công tác khai thác gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các thể chế, chính sách hiện hành chưa có những cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ và cận biên, khuyến khích thu hút thêm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Hợp đồng dầu khí là một chương rất quan trọng trong dự thảo Luật. Hợp đồng dầu khí là thỏa thuận ràng buộc pháp lý giữa Nhà nước và nhà thầu dầu khí. Theo Luật Dầu khí hiện hành, hợp đồng dầu khí là văn bản ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dầu khí. Hợp đồng dầu khí được ký kết dưới các hình thức hợp đồng chia sản phẩm, hợp đồng liên doanh hoặc các hình thức khác. Hợp đồng dầu khí phải tuân thủ hợp đồng mẫu do Chính phủ Việt Nam ban hành.

Theo ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí, hiện nay ngành công nghiệp dầu khí gặp nhiều khó khăn, đó là hệ thống pháp luật không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, bên cạnh đó, tiềm năng dầu khí của Việt Nam cũng không còn nhiều. Đặt nhiều kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Dầu khí lần này để ngành dầu khí phát triển hơn trong thời gian tới, ông Trung cho rằng cần phải đa dạng hóa các hình thức hợp đồng.

Theo đánh giá của Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí, việc áp dụng hình thức hợp đồng cấp phép giúp cải thiện đáng kể hiệu quả đầu tư cho các dự án dầu khí có lô/mỏ có tiềm năng kém hấp dẫn. Đây là hình thức được áp dụng rất phổ biến ở khu vực Nam Mỹ và các quốc gia phát triển như Mỹ, khu vực châu Âu. Ở Việt Nam cũng được áp dụng cho hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản. Cơ chế khuyến khích các nhà thầu của hợp đồng dầu khí hiện có đầu tư bổ sung để gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu.

Còn theo Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam Phan Minh Quốc Bình, hoạt động dầu khí thời gian qua đã có sự phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, với nhiều yếu tố mới phát sinh, luật hiện hành đã không còn phù hợp. Đáng lưu ý, trong bối cảnh tiềm năng dầu khí ngày càng hạn chế, hầu hết các mỏ dầu khí khai thác ở trong nước đã bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng. Lấy ví dụ từ các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan về lĩnh vực này, ông Bình cho rằng, Việt Nam cần xem xét các cơ chế, chính sách phù hợp với các điều kiện đặc thù của nguồn tài nguyên dầu khí ở trong nước.

Được biết, Malaysia cũng phải đối mặt với các rủi ro như tài nguyên cạn kiệt, xu hướng suy giảm sản lượng khai thác trong khi nhu cầu ngày càng tăng cao, nhiều mỏ nhỏ, mỏ cận biên. Nước này đã ban hành nhiều mẫu hợp đồng dầu khí để bảo đảm sự linh hoạt, qua đó khuyến khích đầu tư cho hoạt động dầu khí; có hình thức hợp đồng dịch vụ rủi ro cho đối tượng mỏ nhỏ, mỏ cận biên; hợp đồng chia sản phẩm cho các mỏ nhỏ theo hướng tiết giảm chi phí…

Ông Lê Đắc Hoá, Giám đốc dự án Lô 01/17 và 02/17, Tổng công ty thăm dò – khai thác dầu khí chia sẻ, những lô này đang gặp nhiều khó khăn như thiếu cơ sở pháp lý cho các hình thức vận hành, điều hành lô dầu khí tận thu, mỏ nhỏ, mỏ cận biên. Vì không cơ chế rõ ràng nên không được đầu tư, trang thiết bị không được sửa chữa lớn, các hợp đồng dịch vụ và hợp đồng lao động sẽ bị chấm dứt bất cứ lúc nào.

Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam Phan Minh Quốc Bình cho rằng, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã nghiên cứu, xem xét các hình thức hợp đồng mới áp dụng cho các đối tượng như các dự án khuyến khích đầu tư, đặc biệt khuyến khích đầu tư trên cơ sở tham khảo thông lệ dầu khí quốc tế.

Còn ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí thì chia sẻ, trong những năm tới đây, nhiều lô hợp đồng dầu khí hết hạn và được hoàn trả về cho nước chủ nhà với trữ lượng dầu khí còn lại và sản lượng nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp như các Lô 01&02, Lô 01&02/97 hay mỏ Sông Đốc.

Thực tế đó đặt ra yêu cầu bổ sung vào dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) các quy định để đa dạng hóa hình thức hợp đồng dầu khí, không chỉ giới hạn ở hình thức hợp đồng dầu khí truyền thống như hiện nay mà cho phép áp dụng cả những hình thức khác, chẳng hạn hợp đồng cấp phép, hợp đồng dịch vụ điều hành phi lợi nhuận… theo nguyên tắc cả Nhà nước và nhà đầu tư cùng có lợi.

Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Trần Hồ Bắc, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cho rằng, nên quy định rõ tỷ trọng nội địa hóa trong các hợp đồng dầu khí để ngành dầu khí Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa. "Tại vì nội địa hoá thúc đẩy công ăn việc làm trong nước, thúc đẩy người lao động trong nước và thúc đẩy những ngành công nghiệp khác, ví dụ như là cơ khí chế tạo trong nước...", ông Bắc nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục