Đa dạng hoá thị trường để xuất khẩu tăng trưởng bền vững

17:32' - 27/10/2020
BNEWS Việc tìm kiếm thị trường để tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định đang được Bộ Công Thương tập trung nhằm đạt mục tiêu mà Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng.

Từ đầu năm đến nay, đại dịch COVID-19 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp khó lường khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp không ít khó khăn.

Chính vì vậy, việc tìm kiếm thị trường nhằm tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định đang được Bộ Công Thương tăng cường nhằm thực hiện đạt mục tiêu mà Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số để tìm kiếm bạn hàng và đa dạng hoá thị trường trong bối cảnh dịch bệnh cũng như hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Theo các chuyên gia thương mại, là một nền kinh tế có độ mở lớn, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu, Việt Nam đang nỗ lực để từng bước đa dạng hóa thị trường, tránh rủi ro khi phụ thuộc vào một số bạn hàng truyền thống, thị trường lớn. Kết quả của nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là Việt Nam đã và đang ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với các đối tác quốc tế.

Đầu năm 2020, nông sản của Việt Nam phải liên tục kêu gọi “giải cứu”  do tác động của dịch COVID-19, Trung Quốc đóng cửa một số cửa khẩu. Hàng loạt mặt hàng nông sản như: thanh long, dưa hấu, chuối, bưởi... rớt giá thảm hại.

Điều này có thể cũng sẽ lặp lại trong nhiều năm trước nữa do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nếu không có giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu. Thực tế đó cho thấy, nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam xét về mặt vĩ mô vẫn chưa phát triển bền vững.

 

Toàn bộ nền kinh tế có quy mô chỉ hơn 260 tỷ USD nhưng hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc đã ở 100 tỷ USD, chiếm tỷ lệ lớn so với tổng GDP và mức độ phụ thuộc của kinh tế Việt Nam khá cao.

Không chỉ nông sản mà hầu như phần lớn các nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp đang phụ thuộc phần lớn ở thị trường Trung Quốc.

Đơn cử như ngành may mặc, nếu tình hình dịch COVID-19 kéo dài còn làm sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc; đồng thời có thể ảnh hưởng đến cả thị trường thứ 3.

Sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Liên minh châu Âu (EU), Mỹ nhưng phần lớn nguyên, vật liệu dệt may lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Dịch tác động cả trực tiếp và gián tiếp, kể cả xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới và cả thương mại nội địa.

Thống kê từ Bộ Công Thương, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng hóa Việt Nam không chỉ duy trì, nâng cao khả năng khai thác các thị trường truyền thống mà còn không ngừng mở rộng, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Không những thế, việc Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA) cũng là đòn bẩy giúp xuất khẩu, giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% (năm 2019-2023); từ 4,57-5,3% (năm 2024-2028) và từ 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, cân bằng cán cân thương mại, thu hút đầu tư và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tránh được tình trạng phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu nhất định.

 

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, trong bối cảnh việc tiếp cận thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hiệp định EVFTA được thực thi đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, giảm thiểu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Hơn nữa, những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU và mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, với 96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên áp lực cạnh tranh đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn.

Bởi, dù hàng rào thuế quan được dỡ bỏ song việc có tận dụng được các ưu đãi về thuế quan để mở rộng thị trường hay không lại phụ thuộc vào việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như các yêu cầu khác về an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ...

Vì thế, với năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế, những yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa lại đang đặt ra thách thức và mối lo ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ở một góc độ khác, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng nêu rõ, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Hơn nữa, lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Do đó, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện tại Bộ đang tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gây ra khó khăn trong thương mại, hạn chế giao thương tại các thị trường xuất khẩu lớn, từ đó đưa ra các dự báo tác động lên nhóm ngành hàng, sản phẩm và đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Công Thương tập trung vào việc qua kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2020, hướng đến rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, Bộ Công Thương còn cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý.

Hơn nữa, tập trung xây dựng, triển khai các phương án, lộ trình phù hợp chuyển sang thị trường và sản xuất trong nước hoặc thị trường, nguồn cung từ các đối tác khác để giảm dần vào một thị trường, đối tác.

Tuy nhiên, để duy trì các mục tiêu phát triển bền vững, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần phải có các giải pháp căn cơ như đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo tín hiệu của thị trường, liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị và trung tâm phân phối nội địa.

Riêng ngành công thương, cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu và phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ để giảm dần phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng vệ thương mại; chủ động xây dựng các phương án phù hợp thúc đẩy các FTA đang đàm phán cũng như tăng cường xúc tiến thương mại góp phần mở rộng và đa dạng hóa thị trường.

Ngược lại, phía doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư và đổi mới trang thiết bị công nghệ theo chiều sâu; đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo sự liên kết để xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục