Đã đầu tư trên 2,7 tỷ USD nguồn vốn ODA vào thủy lợi

18:16' - 26/02/2019
BNEWS Tỷ lệ nguồn vốn ODA cho ngành thủy lợi chiếm hơn 45% trong tổng số vốn nguồn ODA của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hội nghị “Tổng kết 25 năm quản lý, thực hiện các chương trình, dự án ODA của Ban Quản lý trung ương các dự án thủy lợi”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại Hội nghị “Tổng kết 25 năm quản lý, thực hiện các chương trình, dự án ODA của Ban Quản lý trung ương các dự án thủy lợi” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 26/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đánh giá, ODA là nguồn vốn rất quan trọng trong ngành thủy lợi Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, nguồn vốn ODA đã giúp Việt Nam khôi phục sửa chữa, nâng cấp, xây dựng nhiều hệ thống công trình thủy lợi lớn như hồ Dầu Tiếng, Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, hồ Cửa Đạt… Những hồ chứa lớn của Việt Nam được nâng cấp từ nguồn vốn ODA đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn.

Hầu hết nguồn vốn vay ODA cho ngành thủy lợi đã được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai… Bên cạnh đó, các dự án, chương trình còn hỗ trợ trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường năng lực cho ngành từ trung ương đến địa phương.

Ông Phạm Đình Văn, Phó Trưởng ban Quản lý trung ương các dự án Thủy lợi cho biết, từ năm 1994 đến nay, Ban Quản lý trung ương các dự án thủy lợi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao quản lý 22 dự án, với tổng nguồn vốn ODA phục vụ thủy lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sạch sinh hoạt và công nghiệp… là trên 2,765 tỷ USD.

Có 5 nhà tài trợ đa phương và song phương chính gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF).

Tỷ lệ nguồn vốn ODA cho ngành thủy lợi chiếm hơn 45% trong tổng số vốn nguồn ODA của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Phạm Đình Văn cho biết, các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 gồm 6 dự án với trên 600 triệu USD. Ngoài ra, Ban Quản lý trung ương các dự án thủy lợi vẫn tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao vận động các dự án với giá trị khoảng 1.108 triệu USD.

Việc huy động, quản lý và sử dụng ODA cũng như nguồn vốn vay đã và đang thay đổi rất nhiều do phương thức tiếp cận của các đối tác phát triển và các chính sách vĩ mô của đất nước. Nguồn vốn ODA giảm nhưng sẽ được thay thế bằng các nguồn vốn kém ưu đãi, đồng thời kết hợp với các khoản viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế như GEF, GCF, UNDP…

Để tận dụng và phát huy hiệu quả của nguồn hỗ trợ quan trọng này trong lĩnh vực thủy lợi, đồng thời thích ứng với các thay đổi trong thời gian tới, ông Phạm Đình Văn cho rằng, việc huy động, sử dụng và quản lý nguồn vốn vay cũng cần có những điều chỉnh.

Đó là các dự án vốn vay cần xây dựng theo hướng không đơn thuần là các dự án đầu tư công ích như trước đây mà phải hướng đến khả năng mang lại lợi nhuận cạnh tranh. Hiệu quả kinh tế sẽ là thước đo chính thay cho giải quyết vấn đề an sinh xã hội đơn thuần. Các nội dung đề xuất cần gắn với khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo...

Bên cạnh đó, việc huy động vốn vay cần tập chung để thực hiện các chương trình, dự án phát triển hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi với quy mô lớn, có tính liên vùng, liên tỉnh nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP).

"Việc sử dụng vốn vay ưu đãi vào các lĩnh vực có thể sinh lời cao, vốn viện trợ không hoàn lại được sử dụng vào mục đích hỗ trợ kỹ thuật, khoa học công nghệ, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng thể chế chính sách. Các khoản viện trợ phi chính phủ phải được dùng chủ yếu vào mục đích hỗ trợ khẩn cấp, các hỗ trợ phát triển nhỏ ở các khu vực có tỷ lệ nghèo cao…", ông Phạm Đình Văn cho hay./.

>>> Gần 99% diện tích có nước để gieo cấy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục