Không làm ảnh hưởng đến nông dân khi chuyển từ phí sang giá thủy lợi

16:56' - 21/12/2018
BNEWS Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thủy lợi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và đáp ứng nước sạch cho nông thôn.
Công trình đầu mối đập dâng Vân Phong, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn cung cấp nước tưới cho trên 10.000 ha lúa và hoa màu của các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn và cung cấp nước sinh hoạt phục vụ sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cắt lũ đầu nguồn cho vùng hạ du của tỉnh. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Tại hội nghị “Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2019” của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, Tổng cục Thủy lợi cần tiếp tục rà soát, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Thủy lợi đi vào cuộc sống, đặc biệt là việc chuyển từ phí sang giá thủy lợi để không làm ảnh hưởng đến nông dân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thủy lợi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và đáp ứng nước sạch cho nông thôn. Sau một thời gian dài liên tục đầu tư, hạ tầng thủy lợi đã hoàn thiện đáp ứng cho nhu cầu sản xuất.

Do đó, ngành đã đáp ứng được cho sản xuất nông nghiệp truyền thống, với 7,8 triệu ha lượt cây trồng, 5 triệu ha cây công nghiệp… cùng với đó là đáp ứng yêu cầu về tiêu úng cho sản xuất và đời sống.

Bên cạnh đó, ngành đã giải quyết được một phần nhu cầu nước sạch cho người dân qua các chương trình hỗ trợ trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp truyền thống, giờ đã xuất hiện những nhiệm vụ khác với ngành.

Tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi bức bách ngành phải thay đổi. Luật Thủy lợi ra đời đúng thời điểm để giải quyết vấn đề bức bách đó.

Luật Thủy lợi với nhiều yêu cầu mới, đáp ứng yêu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngành đã sớm hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Luật.

Nhưng đây vẫn là bước đầu, việc thực thi các văn bản này vào cuộc sống vẫn còn nhiều thách thức, điển hình là việc chuyển từ phí thủy lợi sang giá.

Theo ông Đỗ Văn Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, việc triển khai Luật Thủy lợi với nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch mang tính chất tổng thể đã tác động đến các hoạt động của Tổng cục. Đòi hỏi công tác thủy lợi phải đổi mới tư duy, phương thức quản lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hệ thống pháp luật về thủy lợi bao gồm: Luật Thủy lợi, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật, các chính sách về lĩnh vực thủy lợi ra đời là hệ thống văn bản quản lý ngành đầy đủ nhất từ trước đến nay, đánh dấu một bước tiến quan trọng, là tiền đề để phát triển ngành thủy lợi trong thời gian tới.

Năm 2018, ngành đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu ngành khá đầy đủ và toàn diện. Đó là, Bản đồ thủy lợi Việt Nam, cơ sở dữ liệu về quản lý công trình thủy lợi, cơ sở dữ liệu về hồ đập, cơ sở dữ liệu công trình cấp nước sạch nông thôn.

Tổng cục cũng đã xây dựng được phần mềm quản lý, kết nối trực tiếp với các cơ quan, đơn vị quản lý vận hành công trình thủy lợi để kịp thời nắm bắt thông tin, phục vụ chỉ đạo điều hành sản xuất cũng như phòng chống thiên tai, an toàn hồ đập.

Tổng cục đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng, chống thiếu nước, hạn hán.

Riêng khu vực Trung du, Đồng bằng Bắc bộ, vụ Đông Xuân 2017-2018 đã cấp được cho 611.800 ha lúa, rút ngắn thời gian xả nước các hồ thủy điện 3 ngày so với hoạch với tổng lượng là 5,74 tỷ m3.

Trên cơ sở dự báo tình hình nguồn nước, mưa, lũ, với chỉ đạo vận hành công trình thủy lợi hợp lý, diện tích lúa được tưới so với diện tích gieo trồng của năm 2018 đạt 7,2 triệu/7,52 triệu ha.

Theo ông Đỗ Văn Thành, năm 2019, Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo, điều hành, vận hành khai thác công trình thủy lợi đảm bảo an toàn hồ chứa, đảm bảo cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Hoàn thành Quy hoạch thủy lượi vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2035, tầm nhìn 2050.

Tổng cục sẽ tập trung nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm cấp bách phục vụ phòng chống úng, ngập, đảm bảo an toàn công trình hồ đập.

Đồng thời tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý khai thác công trình thủy lợi, hồ chứa từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 ha diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục