Kiểm tra vận hành công trình thủy lợi lấy nước và gieo cấy vụ Đông Xuân

17:38' - 01/02/2019
BNEWS Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, vụ Đông Xuân ở Trung du và Đồng bằng Bắc bộ là vụ rất quan trọng, quyết định 65% sản lượng cây lương thực của vùng này.
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang cùng đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị mạ xuân tại xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ngày 1/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đi kiểm tra công tác vận hành công trình thủy lợi lấy nước, làm đất và chuẩn bị gieo cấy lúa Đông Xuân 2018-2019 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, vụ Đông Xuân ở Trung du và Đồng bằng Bắc bộ là vụ rất quan trọng, quyết định 65% sản lượng cây lương thực của vùng này. Vụ Đông Xuân hàng năm chịu tác động của gió mùa đông bắc. Tuy nhiên, năm nay thời tiết không lạnh như mọi năm, trong khi yếu tố lạnh rất quan trọng trong vụ Xuân và dự báo thời tiết còn nhiều phức tạp.

Qua kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao việc các địa phương đã chủ động, tích cực lấy nước từ nguồn xả các hồ thủy điện cũng như tận dụng triều cường. Các địa phương cần tiếp tục tập trung lấy nước, đến Tết Nguyên đán phải đảm bảo cơ bản đủ nước gieo cấy.

Nông dân xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên làm đất để sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

"Vụ Đông Xuân năm nay ấm, nhiều địa phương điều chỉnh thời vụ chậm hơn để gieo cấy vào khoảng 25-26/2. Do thời tiết ấm, ban ngày bà con nên bỏ che phủ nilong trên mạ để cây mạ cứng cáp hơn. Do năm nay đất không được ải, nông dân cần làm đất kỹ hơn và tập trung gieo cấy vụ Đông Xuân trong khung thời vụ tốt nhất." Bộ trưởng khuyến cáo.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu, các đơn vị chuyên môn hướng dẫn nông dân tập trung bón phân cân đối, ưu tiên bón lót là chính với phân lân và kali. Căn cứ diễn biến tình hình về sâu bệnh để các đơn vị chuyên môn hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình.

“Vụ Đông Xuân ấm nên phải xử lý các biện pháp căn cốt đó để được một vụ mùa thắng lợi’, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Với Hà Nam, vụ Đông Xuân này tỉnh sẽ gieo cấy trên 30.700 ha. Nhận định tình hình hạn hán, thiếu nguồn nước vẫn tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh, để chủ động đối phó với hạn hán, cấp đủ nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động trong phòng, chống hạn.

Ngay từ tháng 9/2018, tỉnh đã đôn đốc các địa phương, công ty khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch làm thủy lợi Đông Xuân 2018 - 2019, nạo vét kênh mương; tu bổ, sửa chữa trạm bơm, công đập… để đảm bảo hệ thống công trình thủy lợi sẵn sàng cho vận hành cấp nước.

Tỉnh đã thông báo kịp thời thời gian các đợt xả nước của hồ thượng nguồn để các địa phương, đơn vị chủ động kế hoạch lấy nước. Các công ty khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hư hỏng của công trình, đảm bảo công trình luôn sẵn sàng hoạt động. Đồng thời, chủ động lấy nước đổ ải sớm từ đầu tháng 1, lắp đặt các máy bơm dã chiến để bơm nhiều cầu ở những khu vực khó khăn về nước.

Đặc biệt, trước tình trạng nước sông Nhuệ thường bị ô nhiễm, các đơn vị chức năng đã thường xuyên thông báo tình hình chất lượng nguồn nước đến các đơn vị chủ động trong việc lấy nước, đảm bảo về chất lượng nước. Do vậy, Hà Nam đã rất chủ động ngay từ lấy nước đợt 1.

 Nông dân xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên làm đất để sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ông Nguyễn Đình Khang, Bí thư tỉnh Hà Nam cho biết, đến nay Hà Nam cơ bản hoàn thành việc lấy nước. Toàn tỉnh phấn đấu đến hết ngày 2/2 cấp đủ nước cho 100% diện tích. Các địa phương trong tỉnh đang tích cực làm đất, hiện đã hoàn thành 85%. Nông dân cũng đã gieo mạ đảm bảo đúng lịch chỉ đạo chung của toàn tỉnh. Ngày 7/2, nông dân sẽ đồng loạt xuống đồng gieo cấy lúa Đông Xuân và hoàn thành trong tháng 2/2019.

Hiện nay, hầu hết các khâu trong gieo trồng lúa ở Hà Nam đã được áp dụng cơ giới hóa đạt gần 100%. Riêng khâu cấy đạt trên 60%. Cơ giới hóa trong khâu cấy chưa đạt cao vì Hà Nam vẫn còn nhiều chân ruộng thấp, diện tích manh mún nên nông dân vẫn phải cấy tay. Bên cạnh đó, bà con vẫn có thói quen gieo sạ nhiều nên tỷ lệ cấy máy vẫn chưa đạt tỷ lệ như mong muốn.

Tỉnh Hà Nam cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu điều chỉnh thời gian các đợt xả nước của hồ thượng nguồn, nhất là đợt 1 sớm hơn 5-7 ngày để đảm bảo nguồn nước và chất lượng nước phục vụ sản xuất.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm việc với tỉnh Hà Nam về tình hình sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo Tổng cục Thủy lợi, diện tích có nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2018-2019 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ tính đến 16h ngày 1/2 là 431.700 ha, đạt 78,1% so với tổng diện tích gieo cấy.

Cụ thể, Hà Nam đạt trên 98%; Nam Định trên 97%; Phú Thọ, Ninh Bình trên 91%; Thái Bình gần 88%; Hưng Yên 83,5%...

Mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội ngày 01/02 đạt trung bình 2,08 m, cao nhất đạt 2,26m. Các nhà máy thủy điện đã vận hành tối đa công suất phát điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm dâng mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên +2,2m theo đúng kế hoạch trong thời gian còn lại của đợt 2 và đợt 3, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi./.

>>>  Lịch lấy nước đợt 2 phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục