Đã giải ngân gần 7.000 tỷ đồng gói hỗ trợ vay cho công nhân lao động

18:27' - 23/09/2023
BNEWS Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa gửi kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước phản ánh cuộc sống của công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn nên nhu cầu vay vốn có chiều hướng tăng cao.

Thực tế có nhiều gói hỗ trợ cho vay của các tổ chức tín dụng với sự phối hợp của tổ chức công đoàn để đưa các gói tín dụng đến với công nhân lao động. Tuy nhiên, các gói vay này lãi suất vẫn còn cao, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người lao động. Cử tri đề nghị ngành ngân hàng quan tâm giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới đối với người lao động khi có nhu cầu vay vốn.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước, liên quan đến các gói hỗ trợ vay cho công nhân lao động, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với công nhân diễn ra ngày 12/6/2022 tại Bắc Giang, hai công ty tài chính là Công ty Tài chính TNHH HD Saison (HD Saison) và Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (FE Credit) đã cam kết dành 20.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của tổ chức tín dụng để cho vay đối với công nhân lao động với lãi suất ưu đãi bằng 50% lãi suất các công ty này đang cho vay trên thị trường nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tình trạng "tín dụng đen".

Đến tháng 10/2022, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và hai công ty này đã ký thỏa thuận hợp tác và tiến hành giải ngân.

Tính đến hết tháng 6/2023, hai  công ty tài chính HD Saison và FE Credit đã giải ngân gói hỗ trợ vay cho công nhân lao động được khoảng 6.901 tỷ đồng; trong đó HD Saison là 4.828 tỷ đồng và FE Credit là 2.073 tỷ đồng.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và giữ ở mức cao.

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm). Qua đó, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh ở mức 4,0%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm; lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam  của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 1,0%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; trong đó có người lao động như ban hành Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn về cho vay tín dụng tiêu dùng, điều hành tín dụng đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người lao động.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn đang triển khai khoảng 30 sản phẩm phục vụ mục đích tiêu dùng về nhà ở, khám chữa bệnh, học tập, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại,…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục