Đã mua đủ số lượng thóc, gạo dự trữ quốc gia

16:37' - 02/10/2020
BNEWS Đến tháng 8/2020,Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã hoàn thành mua nhập kho dự trữ quốc gia đủ số lượng 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc, đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch.
Đây là thông tin được ông Phạm Vũ Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết.

Ông Phạm Vũ Anh cho biết, dù những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến giá lương thực trên thị trường thế giới và trong nước tăng cao, nhiều nhà thầu trúng thầu đã từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo, gây khó khăn cho việc đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia kế hoạch năm 2020. Nhưng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước  khu vực khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc để mua đủ số lượng được giao. 

“Kết quả đấu thầu mua gạo là cạnh tranh, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Việc hoàn thành kế hoạch mua đảm bảo nguồn lực dự trữ quốc gia, sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp xảy ra, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay”, ông Phạm Vũ Anh nói.

Về quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước xác định là nhiệm vụ trung tâm, được thực hiện đồng bộ từ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, đến tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra. Trong quá trình nhập kho, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thành lập các đoàn công tác tổ chức lấy mẫu, phúc tra chất lượng lương thực tại 22/22 Cục Dự trữ Nhà nước  khu vực. Qua kết quả thử nghiệm tại phòng thử nghiệm cho thấy, chất lượng lương thực nhập kho dự trữ quốc gia bảo đảm theo quy định.

Đối với việc tháng 5/2020 đã xảy ra sai phạm ở một số Cục Dự trữ Nhà nước ở một số địa phương, ông Phạm Vũ Anh cho biết, Tổng cục đã tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương cán bộ, không để xảy ra những vụ việc gây hậu quả và tác động tiêu cực do quan liêu trong quản lý khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Hiện nay, việc lựa chọn đơn vị cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền, còn các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu. Các Cục Dự trữ Nhà nước  khu vực xây dựng kế hoạch đấu thầu trình Tổng cục Dự trữ Nhà nước phê duyệt.

Sau khi nhận được kế hoạch đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia, các Cục Dự trữ Nhà nước  khu vực xây dựng hoàn thiện hồ sơ mời thầu và thực hiện đầy đủ, công khai quy trình đấu thầu. Đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia trong năm 2020 cũng như nhiều năm nay thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc áp dụng hình thức lựa chọn đấu thầu rộng rãi đã tạo mọi điều kiện cho nhà thầu có đủ năng lực tham gia.

Các Cục Dự trữ Nhà nước  khu vực đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch.  Hồ sơ mời thầu được thông báo công khai và đăng tải rộng rãi trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để các nhà thầu có nhu cầu cung cấp gạo có thể chủ động nghiên cứu, tiếp cận hồ sơ mời thầu nhanh chóng và có phương án, kế hoạch tham gia dự thầu.

Tổng cục Dự trữ nhà nước cho biết, hiện nay, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia  được đấu thầu qua mạng. Việc tổ chức đấu thầu qua mạng đã làm giảm thủ tục hành chính và chi phí dự thầu cho nhà thầu; tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Các khâu như lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của hàng hóa.

Đặc biệt, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng dự trữ quốc gia, yêu cầu về giao, nhận, bảo quản được quy định rất cụ thể trong các hồ sơ mời thầu; các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về chất lượng được quy định rất cụ thể cho từng mặt hàng và công bố công khai tại các thông tư của Bộ Tài chính; do đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu cung cấp hàng đồng thời bảo đảm chất lượng hàng trong quá trình đấu thầu mua sắm và nhập kho dự trữ quốc gia.

Theo ông Phạm Vũ Anh, việc mua vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia được chuyển đổi từ đấu thầu truyền thống (hồ sơ mời thầu bằng giấy) sang đấu thầu qua mạng đã bảo đảm tăng cường tính minh bạch, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp, tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu, hạn chế tình trạng phải gia hạn thời điểm đóng thầu so với trước đây, đồng thời hạn chế khiếu nại, kiến nghị của các nhà thầu.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia  trong thời gian tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách nội ngành về: công tác bảo vệ bí mật nhà nước; công tác quản lý, sử dụng tài sản công; công tác nhập, xuất, bảo quản hàng...; kiểm tra, tự kiểm tra theo định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện ra khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện nhiệm vụ để để xuất với Tổng cục kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi cho phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục