Đà Nẵng chuyển sang mô hình điều hành đô thị trên dữ liệu số

10:48' - 08/06/2022
BNEWS Đối với xây dựng chính quyền số, Đà Nẵng quyết tâm đến năm 2025 hướng đến chuyển từ mô hình quản lý hành chính truyền thống sang mô hình điều hành đô thị trên dữ liệu số.

Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR Index 2021) của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính thuộc Chính phủ, thành phố Đà Nẵng được xếp vị trí thứ 3 trên 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

 

Những năm qua, công tác cải cách hành chính của thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội.

Đà Nẵng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thể hiện rõ nhất qua các mô hình chuyển đổi số từ cơ sở, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) đang thí điểm mô hình tổ tư vấn để hướng dẫn người dân tạo tài khoản công dân điện tử, nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công thành phố.

Người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến ở mức 3 sẽ nhận kết quả tại khu dân cư hoặc UBND phường, ở mức 4 thì nhận tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích.

Một ngày cuối tháng 5/2022, chị Nguyễn Thị Kim Niên (cư dân phường Khuê Trung) tới làm thủ tục cấp giấy khai sinh cho con tại UBND phường đã được cán bộ hướng dẫn làm thủ tục hành chính trực tuyến. Chị Niên cho biết, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến rất nhanh chóng, thuận tiện, người dân có thể tự thực hiện được kể cả vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Nhờ được cán bộ phường hướng dẫn nên việc đăng ký khai sinh cho con chị tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức.

Bước đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến tại phường Khuê Trung cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu nhân lực, kinh phí duy trì, phải điều động Đoàn viên thanh niên và lực lượng cơ sở liên tục túc trực. Nhưng sau một thời gian rút kinh nghiệm, hiện nay phường tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân nắm thông tin. Các hộ dân gặp khó khăn về tiếp cận dịch vụ công nhưng không thể đến UBND phường sẽ được các tổ hướng dẫn đến tận nhà để phổ biến, tuyên truyền dịch vụ công.

Sau thời gian thí điểm, phường Khuê Trung triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến đến 26 khu dân cư với tổng số 42 nghìn dân, mục tiêu đến hết năm 2022, 100% hộ dân có tài khoản công dân điện tử, hướng đến xây dựng chính quyền số, xã hội số.

Theo ông Nguyễn Phước Sơn, Chủ tịch UBND phường Khuê Trung, xây dựng dữ liệu công dân điện tử có mối quan hệ biện chứng với cải cách hành chính. Người dân sẽ được hưởng lợi nhanh nhất, ít tốn kém nhất về công sức, thời gian khi thực hiện giao dịch của mình. Tất cả hồ sơ đều được thực hiện, lưu trữ qua phần mềm điện tử.

Từ những mô hình chuyển đổi số như xây dựng khu dân cư điện tử ở phường Khuê Trung, có thể thấy sự chủ động và quyết tâm cao của địa phương trong công tác cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân.

Ông Trần Trung Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho biết: Năm 2021, thành phố tiếp tục xếp thứ nhất cả nước về chuyển đổi số trên cả 3 trục chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đối với xây dựng chính quyền số, Đà Nẵng quyết tâm đến năm 2025 hướng đến chuyển từ mô hình quản lý hành chính truyền thống sang mô hình điều hành đô thị trên dữ liệu số.

Để giữ vững kết quả đạt được, Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 76/NQ-CP của chính phủ; triển khai mô hình chính quyền đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đổi mới việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua dịch vụ bưu chính công ích, ứng dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và dịch vụ công trực tuyến.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, hiện các cơ quan trên địa bàn thành phố (trừ UBND huyện Hoàng Sa) đã có mạng số liệu chuyên dùng riêng của chính quyền thành phố (MAN) và kết nối internet tốc độ cao; cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành tại cơ quan, đơn vị. Về ứng dụng, đã có hơn 300 phần mềm chuyên ngành được đơn vị ứng dụng hiệu quả.

Nhằm triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính quyền điện tử: UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai 1.867 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4.

Trong quý I năm 2022, thành phố đã tổ chức ký kết hợp tác giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng và một số doanh nghiệp hội viên về hợp tác, hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp trên địa bàn; nghiên cứu ban hành Kế hoạch phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục