Đà Nẵng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng

14:48' - 10/05/2022
BNEWS Sáng 10/5, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho hay, thành phố đã ban hành các chính sách quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số; trong đó Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được xác định là một trong các dự án mang tính “động lực” cho phát triển.

 

Trên lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử; tối thiểu 50% dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử chiếm ít nhất 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố.

Ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh, thành phố Đà Nẵng là một trong những đô thị tại Việt Nam có công nghệ thông tin khá phát triển. Hiện tại, doanh nghiệp công nghệ số ở thành phố đã phát triển khá mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, thành phố có môi trường chính sách thuận lợi cho phát triển công nghệ thông tin - truyền thông và nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào, tạo cơ hội cho việc nghiên cứu phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, hội thảo về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính là hoạt động cần thiết và có ý nghĩa, giúp thành phố Đà Nẵng có thêm các tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn trong giai đoạn sắp tới, trong đó có việc hoàn thiện Đề án “Xây dựng trung tâm tài chính khu vực”.

Theo ông Trần Ngọc Thạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, Đề án Chuyển đổi số thành phố đặt ra 11 nhóm với 130 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trong đó, các nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, thương mại gồm: Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; triển khai các chính sách, hạ tầng, nền tảng tài chính số (Fintech) để phục vụ việc hình thành, hoạt động của Trung tâm tài chính quy mô khu vực; hỗ trợ thúc đẩy dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng (Mobile Money) để phổ cập, cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán điện tử một cách rộng rãi tới tất cả người dân; thúc đẩy thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại 100% chợ, trường học, bệnh viện trên địa bàn; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, bảo đảm đến hết năm 2022 có 100% tổ chức, doanh nghiệp sử dụng…

Ông Thạnh cho biết thêm, hiện nay, một số ứng dụng đã triển khai, mang lại hiệu quả như: Cổng thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính; sàn Thương mại điện tử Đà nẵng (đã có hơn 1.000 doanh nghiệp với 2.500 sản phẩm tham gia); Thẻ du lịch thông minh; Mô hình chợ 4.0.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã thảo luận, trao đổi thông tin, trình bày tham luận về nhiều nội dung như: Thúc đẩy phát triển hoạt động Fintech gắn với việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng; xu hướng Fintech; chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng từ góc nhìn công nghệ; ứng dụng blockchain trong lĩnh vực Fintech…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục