Đà Nẵng: Đẩy nhanh việc di dời các hộ dân tại khu vực 2 nhà máy thép gây ô nhiễm

18:22' - 13/06/2017
BNEWS UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất di dời, giải tỏa các hộ dân sống trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm môi trường của hai Nhà máy Thép Dana - Ý, Dana - Úc đến các khu vực tái định cư mới.

Sau một thời gian xử lý kiến nghị của người dân thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) về vấn đề ô nhiễm môi trường do hai Nhà máy Thép Dana - Ý, Dana - Úc gây ra, UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất di dời, giải tỏa các hộ dân bị ảnh hưởng đến các khu vực tái định cư mới. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên tiến độ giải tỏa di dời hiện còn chậm.

Để tạm thời khắc phục một phần tình trạng ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu 2 nhà máy thép phải cắt giảm công suất và áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.

Nếu không thực hiện được, cả 2 nhà máy sẽ phải đóng cửa hoạt động. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc giải tỏa đền bù các hộ thuộc diện di dời và tiến độ dự án tái định cư Hòa Liên 6.

Dự kiến kinh phí đền bù khoảng 243 tỷ đồng và trong tháng 7 sẽ chi tiền giải tỏa mặt bằng khu tái định cư này; trong đó nhà máy chịu 50% kinh phí bồi thường giải tỏa.

Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra là cấp bách, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập hồ sơ sớm trình UBND thành phố và tiến hành song song công tác thiết kế dự án tái định cư để xin ý kiến Ban Thường vụ về vấn đề chỉ định thầu.

Lãnh đạo thành phố đồng ý cho mở rộng khu tái định cư Hòa Liên 6 và Hòa Liên 7 đủ đất để bố trí tái định cư cho người dân thôn Vân Dương; đề nghị tất cả các cơ quan, ban ngành tập trung làm nhanh, không để kéo dài.

Xác định đây là dự án mang tính cấp thiết, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy cho phép rút gọn các thủ tục xây dựng cơ bản nhằm đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư cho các hộ dân.

UBND thành phố giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố ký hợp đồng với hai công ty thép để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tại dự án; đồng thời yêu cầu hai công ty phải có chứng thư bảo lãnh thanh toán vô điều kiện, không hủy ngang của 1 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố về đảm bảo kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, giải tỏa dự án.

Tuy nhiên, tại cuộc họp do UBND thành phố tổ chức vào trung tuần tháng 6/2017, đại diện 2 công ty đã nêu lên những khó khăn do không có tài sản thế chấp để thực hiện ký quỹ, lập chứng thư bảo lãnh.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đưa ra phương án cho phép phân kỳ việc ký quỹ từng giai đoạn theo tiến độ giải tỏa; lần đầu tiên, số tiền ký quỹ tương ứng từ 30 - 40% tổng số tiền phải nộp theo hợp đồng.

Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan khẩn trương lập các thủ tục, rút gọn thời gian thực hiện để sớm di dời, giải tỏa và tái định cư cho các hộ dân tại dự án theo đúng tiến độ;

giải tỏa xong đến đâu có thể cho đấu giá đất luôn phần đất đã giải tỏa, nếu hai công ty trúng đấu giá thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn và dùng làm tài sản thế chấp để bảo lãnh thực hiện thanh toán tiếp tục.

Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, đây là giải pháp thể hiện sự quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nếu không đáp ứng, UBND thành phố yêu cầu các công ty tự đóng cửa hoặc di dời nhà máy ra khỏi khu vực.

Thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã rất tích cực trong công tác thực hiện chủ trương giải tỏa. Cuối tháng 2/2017, UBND thành phố cùng các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức đối thoại với các hộ tại khu vực thôn Vân Dương 2; người dân đồng tình chủ trương giải tỏa di dời toàn bộ các hộ dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên tại phía Tây Nam của 2 nhà máy thép.

Sau cuộc họp trên, định kỳ 1-2 lần/tháng, lãnh đạo UBND thành phố tổ chức họp để xử lý các vướng mắc và đẩy nhanh các thủ tục để sớm, di dời giải tỏa các hộ. Đến nay đã thực hiện hầu hết các thủ tục như phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất khu vực di dời, giải tỏa với diện tích 451.696m2, thông báo thu hồi đất;

thành lập Hội đồng Bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư dự án; tiến hành đo lập thửa... Dự kiến, việc giải phóng mặt bằng các hộ gần tường rào hoặc gần ống khói của 2 nhà máy, các hộ bị ảnh hưởng trực tiếp và hư hỏng nặng được di dời trong quý IV/2017, các hộ còn lại di dời trong 6 tháng đầu năm 2018.

Được biết, việc hai Nhà máy Thép Dana - Ý và Dana - Úc gây ô nhiễm môi trường là do công nghệ lạc hậu. Thực tế tại các khu vực gia công của hai nhà máy, do làm chụp hút hở nên khi đưa phế liệu vào gia công phải tách rời ống hút khói để khói lan mạnh ra ngoài, gây ô nhiễm. Khi ống hút khói trở về bình thường, khói được xử lý tốt.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm, theo Chi cục Bảo vệ môi trường, Nhà máy Thép Dana - Úc đã thay thế mới 199 túi lọc bụi hỏng, thủng rách trong tổng số 2.304 túi lọc hiện có trong hệ thống trực tiếp và gián tiếp; thực hiện che chắn kính nhà xưởng để phát huy hệ thống hút gián tiếp, hạn chế tối đa khói bụi phát tán ra bên ngoài;

đồng thời làm vách tường chắn khu vực lò để chắn gió trong mùa mưa gió, tạo điều kiện hệ thống hút trực tiếp phát huy hết tác dụng.

Trong khi đó, Công ty cổ phần thép Dana - Ý đã kiểm tra, bảo dưỡng và vệ sinh hệ thống túi lọc, hiệu chỉnh các cơ cấu rung rũ bụi, nguồn cung cấp khí nén cho hệ thống rũ bụi, vệ sinh bảo dưỡng các loại van khí nén chống hiện tượng lắc khí làm giảm hiệu suất hoạt động, thay thế một số túi lọc bụi bị thủng;

đồng thời đầu tư 2 máy phát điện dự phòng, công suất mỗi máy 500KVA. Về lâu dài, công ty thực hiện cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý luyện 1 theo công nghệ mới, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 9/2017…

Về quá trình quan trắc khí thải, khói bụi, theo Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng, sẽ tiến hành định kỳ cũng như thường xuyên và đột xuất đối với hai nhà máy thép này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục