Đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển vịnh Đà Nẵng

10:01' - 08/06/2017
BNEWS Qua đánh giá sức tải môi trường của vịnh Đà Nẵng, giải pháp để khắc phục ô nhiễm và phát triển bền vững vùng biển này trước hết là thực hiện quy hoạch không gian vịnh, vùng bờ, thiết lập hồ sơ.
Vịnh Đà Nẵng nằm dưới chân đèo Hải Vân. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Vịnh Đà Nẵng được bao bọc bởi hai dãy núi Hải Vân và Sơn Trà, thuộc địa phận các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu và Sơn Trà của thành phố Đà Nẵng, có những đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên, có vị thế đặc biệt quan trọng với tài nguyên biển và an ninh quốc phòng trong khu vực.

Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cảng biển và các ngành kinh tế khác như nuôi trồng, đánh bắt hải sản, du lịch, dịch vụ… Tuy vậy, các hoạt động này cũng xả các chất thải gây ô nhiễm môi trường nước, suy thoái cảnh quan và tài nguyên trong vịnh.

Đánh giá sức tải môi trường

Theo Báo cáo quan trắc chất lượng nước của vịnh Đà Nẵng năm 2016, nước của vịnh có độ mặn cao và ổn định, dao động từ 16 - 32‰, độ đục thấp, hàm lượng chất rắn lơ lửng thấp, nồng độ ôxy hòa tan cao.

So với các quy chuẩn QCVN 10:2008/BTNMT đối với nước biển ven bờ và các tiêu chuẩn ASEAN, thì nước tại vịnh Đà Nẵng có nồng độ muối phốt phát cao hơn giới hạn cho phép (GHCP) theo tiêu chuẩn ASEAN (15µg/l đối với nước ven bờ), nhưng thấp hơn GHCP đối với nước cửa sông (45µg/l).

Nước biển ô nhiễm một số chất hữu cơ, dầu mỡ, Asen vượt 2,3 - 20,8 lần và Cu vượt 3,75 lần. Dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) cơ clo (Lindan, Endrin) nằm trong giới hạn cho phép nhưng dư lượng các hóa chất như DDE vượt 1,16 lần; DDD vượt 3,48 lần.

Trầm tích trong vịnh chủ yếu là bùn bột nhỏ, hàm lượng trung bình các chất dinh dưỡng và hữu cơ trong trầm tích như sau: N-T -772,91 mg/kg khô; hàm lượng P-T -105,45 mg/kg khô; hàm lượng Ch/c -511,08 mg/kg khô. Kim loại nặng trong trầm tích nhìn chung khá cao.

Như vậy, chất lượng nước và trầm tích trong vịnh hiện có nguy cơ ô nhiễm xảy ra trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở các cảng, xí nghiệp đóng tàu và ở các vùng cửa sông đổ vào vịnh.

Quá trình tích lũy độc tố này từ môi trường trầm tích diễn ra chậm hơn so với môi trường nước vào cơ thể con người, nhưng cũng là một thực trạng đáng lo ngại.

Trong các nguồn nước thải ô nhiễm từ cửa sông chảy vào vịnh có sông Phú Lộc bắt nguồn từ Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), chảy qua phường Hòa Minh đổ ra vịnh Đà Nẵng.

Sông Phú Lộc là nơi tiếp nhận nước thải của các hệ thống kênh nhánh đổ vào B12, B18, B24, Yên Thế - Bắc Sơn, mương Khe Cạn.

Hầu hết các kênh mương này chưa có hệ thống thu gom nên lượng nước thải vẫn được xả trực tiếp vào các kênh và từ đó đổ vào vịnh gây ô nhiễm môi trường vịnh.

Bên cạnh đó, các nguồn thải từ các khu dân cư, cụm công nghiệp cũng thải ra lượng chất ô nhiễm lớn, nhất là vào mùa mưa.

Số liệu kiểm kê các nguồn nước thải phát sinh hàng năm cho thấy, lượng các chất ô nhiễm trong vịnh trung bình/năm lớn: Khoảng 19 nghìn tấn COD; 2,8 nghìn tấn BOD5; hơn 5,9 nghìn tấn N-T; 2,5 nghìn tấn P-T và gần 58 nghìn tấn chất rắn lơ lửng.

Dự báo đến năm 2025, lượng chất ô nhiễm vào vịnh Đà Nẵng sẽ phát sinh khoảng 69,2 nghìn tấn COD; 37,7 nghìn tấn BOD5; 11,4 nghìn tấn N-T; 3,9 nghìn tấn P-T; 138,5 nghìn tấn TSS. Vào mùa khô, quá trình trao đổi nước kém làm khả năng tự làm sạch của vịnh giảm, lượng ôxy trong nước giảm, phát sinh nhiều loài tảo độc, gây ô nhiễm nước.

 Đề xuất các giải pháp

Qua đánh giá sức tải môi trường của vịnh Đà Nẵng, giải pháp để khắc phục ô nhiễm và phát triển bền vững vùng biển này trước hết là thực hiện quy hoạch không gian vịnh, vùng bờ, thiết lập hồ sơ.

Xây dựng tiêu chuẩn, ngưỡng môi trường sinh thái cho vịnh, xây dựng quy định cấp hạn ngạch nước thải, hội nhập các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, sinh thái và đa dạng sinh học.

Đồng thời, rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế, dịch vụ; triển khai mô hình quản lý tài nguyên và môi trường các cấp (Trung ương, tỉnh, địa phương) cho vịnh. Thiết lập hồ sơ vũng vịnh, xây dựng bộ tiêu chí vũng vịnh đẹp quốc gia…

Giải pháp thứ hai là kiểm soát nguồn phát thải đưa xuống thủy vực: Có giải pháp xử lý hiệu quả chất thải rắn và nước thải; hạn chế cấp phép sản xuất, dịch vụ cho những lĩnh vực phát thải các chất gây ô nhiễm (nitrat, Cu, As).

Thực hiện phân ngạch phát thải ô nhiễm cho các địa phương và các ngành kinh tế, cụm kinh tế, thúc đẩy kinh tế dịch vụ môi trường; kiểm soát nguồn thải xuyên biên giới thông qua cảng biển.

Mặt khác, cần thiết lập Hệ thống quan trắc, giám sát môi trường: Đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tại vịnh tập trung vào các hợp phần quan trắc chất lượng không khí, chất lượng nước mặt (sông, suối, ao hồ…), chất lượng nước dưới đất, chất lượng nước biển ven bờ và xa bờ, chất lượng đất, các hệ sinh thái biển; duy trì, tăng cường hoàn lưu và ổn định nền đáy thủy vực. Theo quy hoạch, cấu trúc vực nước vịnh sẽ bị thay đổi nhiều do các công trình cảng.

Do vậy, cần có các biện pháp ổn định duy trì dòng chảy có tốc độ đảm bảo, giữ độ sâu, hạn chế khả năng phân tầng nước; đồng thời có quy định chặt chẽ về chỗ neo đậu và tuyến đường đi lại của tàu thuyền để tránh khuấy đục đáy và hủy hoại trực tiếp thảm rong, tảo và cỏ nước, những thành phần tham gia ổn định nền đáy.

Cần giám sát các hoạt động, công trình cản trở lưu thông và trao đổi nước trong vịnh Đà Nẵng; giám sát tàu thuyền neo đậu và đi lại đúng tuyến trên vịnh; tăng cường khả năng làm sạch thủy vực của thủy sinh vật.

Giữ cho nước vịnh trong là giải pháp quan trọng để phát triển sinh khối thực vật phù du, đóng góp cho quá trình tự làm sạch và giảm tải thủy vực vịnh Đà Nẵng.

Ngoài ra, ổn định nền đáy để phát huy vai trò của động vật đáy tiêu thụ sản phẩm chất hữu cơ lắng đọng cũng góp phần hỗ trợ tự làm sạch thủy vực. Việc tăng cường khả năng làm sạch thủy vực của thủy sinh vật cần được kết hợp với bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển khu vực vịnh Đà Nẵng.

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội khá nhanh trong mấy chục năm qua, diện tích vùng bờ vịnh Đà Nẵng đã thu hẹp đáng kể.

Để ngăn ngừa và khắc phục các tác động nhân sinh gây thay đổi hình thái thủy vực vịnh, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như tổ chức giám sát đánh giá và giám sát quá trình bồi lắng đáy vịnh và bồi tụ - xói lở bờ vịnh.

Quy hoạch phát triển không gian vịnh hợp lý; quản lý, thu gom và xử lý triệt để chất thải rắn; phòng ngừa, hạn chế xói mòn và sạt lở đất trên lưu vực; bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và đất ngập nước ven vịnh; ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và dâng cao mực biển.

Đặc biệt là xây dựng các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu khoa học vịnh phục vụ phát triển bền vững.

Cụ thể là nghiên cứu, điều tra tổng hợp về tài nguyên và môi trường vùng vịnh, mô hình quản lý vịnh, mô hình khai thác sử dụng, xã hội học, kinh tế học vũng vịnh, cấp phép thải; thuế và phí môi trường; ký quỹ môi trường; trợ cấp môi trường; nhãn sinh thái; từng bước đưa các nội dung bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái vào trường học, các hội đoàn thể, các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường, Ngày Đại dương thế giới, Ngày Đa dạng sinh học…/.

>>> Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng về quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục