Đà Nẵng kiểm tra về gian lận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa

10:35' - 26/09/2019
BNEWS Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Phước Trí, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng cho biết, trên thị trường đang có nhiều thủ đoạn gian lận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tinh vi.

Từ nay đến cuối năm 2019, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã xây dựng  kế hoạch kiểm tra chuyên đề và các phương án kiểm tra đột xuất trên địa bàn cũng như trên khâu lưu thông, tập trung vào các vi phạm liên quan đến gian lận nguồn gốc, xuất xứ.

Việc gian lận được thể hiện qua việc hàng hóa sản xuất tại nước ngoài nhưng khi nhập về Việt Nam lại có sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”.

Nhiều trường hợp in bao bì, hướng dẫn, phiếu bảo hành ghi tiếng Việt, có địa chỉ, trang web ở Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Ngoài ra, còn hình thức là hàng hóa sản xuất tại nước này nhưng cố tình ghi tên nước khác. Như nhiều hàng hóa sản xuất tại nước ngoài nhưng lại đánh lừa người tiêu dùng bằng nhãn mác có chữ “Product of Italy” hoặc “Sản phẩm công nghệ Nhật Bản” được in to hơn các thông tin còn lại.

Theo ông Trí, Đà Nẵng là một thành phố du lịch với rất nhiều loại hàng hóa phục vụ du khách. Do vậy, nếu hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ gian lận sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của thành phố cũng như đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Ngoài ra, nếu để tồn tại các hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ gian lận sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín của Việt Nam đối với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng như trở thành rào cản cho các hiệp định trong thời gian tới. Vì vậy, việc đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cần được tăng cường nhiều hơn.

Trong 9 tháng năm 2019, tại địa bàn thành phố Đà Nẵng, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý tổng cộng 81 vụ vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ, vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ.

Cụ thể, vi phạm về giả mạo nhãn hiệu xử lý 55 vụ, xử phạt 468 triệu đồng; vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ xử lý 26 vụ, xử phạt 68 triệu đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực quần áo, giày dép...

Ngày 18/9 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng cũng ban hành văn bản số 6336/UBND-KTTC về kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xử Việt Nam.

Theo đó, các sở ngành thành viên Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) thành phố và UBND các quận, huyện tập trung thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; trong đó, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả xảy ra nghiêm trọng, kéo dài hoặc cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, kịp thời báo cáo kết quả lên Chủ tịch UBND thành phố và Trưởng ban Ban chỉ đạo 389 thành phố xem xét, xử lý theo quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục