Đà Nẵng phong tỏa 4 phường của quận Sơn Trà do dịch COVID-19

20:52' - 31/07/2021
BNEWS Ngày 31/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh, tính từ 13 giờ ngày 30/7 đến 13 giờ ngày 31/7, Đà Nẵng ghi nhận 55 trường hợp mắc COVID-19, 27 trường hợp cách ly tập trung, 5 trường hợp trong khu phong tỏa, 23 trường hợp chưa được cách ly.

Các ca mắc COVID-19 tập trung ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (gần cảng cá Thọ Quang).

Như vậy tính từ ngày 10/7 đến 14 giờ 30 ngày 31/7, Đà Nẵng ghi nhận 688 ca mắc COVID-19.

Trong ngày 31/7, Đà Nẵng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 31.933 lượt người. Hiện thành phố đang thực hiện cách ly, giám sát 2.622 trường hợp F1 và 4.271 trường hợp F2.

Ông Tôn Thất Thạnh nhận định, các địa phương quản lý người làm việc tại cảng cá Thọ Quang còn chậm; đề nghị quận Sơn Trà khẩn trương xét nghiệm tất cả những người làm việc tại cảng cá.

Tại cảng cá này sau khi cho phép hoạt động trở lại, cơ quan chức năng cần có biện pháp xét nghiệm tất cả người ra, vào, có thể làm test nhanh COVID-19, thực hiện quy trình kiểm soát chặt chẽ.

Đại diện quận Sơn Trà cho hay, một số bộ phận người dân không tuân thủ quy định trong khu vực phong tỏa, có trường hợp thông chốt; quận còn gặp khó khăn trong việc huy động người dân lấy mẫu.

Hiện UBND quận Sơn Trà đã huy động 50% lực lượng của quận tăng cường xuống phường, vận động người dân lấy mẫu.

Những trường hợp liên quan đến cảng cá, quận đã thực hiện xét nghiệm lần 1, phát hiện ra nhiều trường hợp dương tính.

Trước tình hình đó, quận đã tăng tốc độ lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có liên quan, đẩy nhanh tiến độ truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu nhằm cắt đứt nguồn lây nhiễm.

Đưa ra quan điểm xử lý tại các điểm nóng dịch bệnh trên địa bàn quận Sơn Trà, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đề nghị, lực lực chức năng, địa phương khẩn trương thực hiện phong tỏa 4 phường của quận Sơn Trà đang ở nguy cơ cao của dịch bệnh gồm Nại Hiên Đông, Thọ Quang, An Hải Bắc, Mân Thái.

Trong đó, cần phong tỏa cứng phường Nại Hiên Đông, không cho phép người dân ra, vào; đảm bảo nhu yếu phẩm, thực phẩm cho bà con tại điểm nóng này.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu địa phương tổ chức xét nghiệm theo khu vực, theo từng nhóm 10 người nhằm giảm bớt nguy cơ lây chéo.

Đến kiểm tra thực tế công tác kiểm soát dịch tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, khu vực 4 phường của quận Sơn Trà đang có nguy cơ rất cao, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ lây lan rộng toàn địa bàn thành phố.

Trên tinh thần xử lý quyết liệt, đề nghị quận Sơn Trà ra quyết định phong tỏa 4 phường có nguy cơ cao, sau đó tổ chức chốt chặn, đóng cứng những khu vực nóng của 4 phường, tuyệt đối không cho người dân ra, vào (trong trường hợp cấp thiết phải được phép của lực lượng chức năng).

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị tập trung lực lượng y tế lấy mẫu tại khu vực 4 phường của quận Sơn Trà; Công an thành phố bổ sung lực lượng tại khu vực này.

Bên cạnh đó, quận Sơn Trà cần tăng cường tuyên truyền cho người dân về tình hình dịch bệnh và Nghị quyết của Thành ủy, Chỉ thị 05 của UBND thành phố tại các khu vực điểm nóng.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, hiện trên địa bàn thành phố số ca mắc COVID-19 đang tăng cao, phát sinh nhiều ca cộng đồng và điểm nóng dịch bệnh.

Trong ngày 31/7, Đà Nẵng bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Thành ủy và Chỉ thị 05 của UBND thành phố.

Ông Quảng kêu gọi toàn hệ thống chính trị, người dân toàn thành phố chung sức, đồng lòng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Đây là yếu tố quyết định đến thành công trong công tác chống dịch lần này. Nếu không làm quyết liệt, khẩn trương thì hậu quả sẽ khó lường.

“Tôi rất mong các đồng chí cán bộ chủ chốt nâng cao vai trò của mình trong việc thực hiện nội dung Chỉ thị 05 của UBND thành phố; phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai có thể sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên các lực lượng chức năng phải chủ động, vận dụng văn bản pháp luật áp dụng linh hoạt trong thực tế. Đồng thời, quan tâm, hướng dẫn kịp thời cho đơn vị cơ sở làm nhiệm vụ; nghiêm khắc trong việc xử lý vi phạm; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và làm theo”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục