Từ 18 giờ ngày 31/7, Đà Nẵng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội cao hơn

18:33' - 31/07/2021
BNEWS Chiều 31/7, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chiều 31/7, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để thực hiện các biện pháp cao hơn trong công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, từ 18 giờ ngày 31/7 cho đến khi có thông báo mới, Đà Nẵng thực hiện cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố cách ly với tổ dân phố; thôn cách ly với thôn; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện.

Thành phố yêu cầu mọi người dân không được ra khỏi nhà, trừ những trường hợp cần thiết như: đi mua lương thực, thực phẩm; cấp cứu, khám chữa bệnh, xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm chủng, mua thuốc chữa bệnh; các trường hợp khẩn cấp khác như thiên tai, hỏa hoạn; đi công tác, công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở Nhà nước, tác nghiệp báo chí; đi làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các nhà máy, cơ sở sản xuất được phép hoạt động; tham gia điều khiển phương tiện vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu; thực hiện các nhiệm vụ vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố điện, nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin, phòng chống dịch theo quy định; các trường hợp đặc biệt khác khi được sự đồng ý của Chủ tịch UBND thành phố bằng văn bản.

Khi ra ngoài trong các trường hợp trên, người dân cần mang theo các loại giấy tờ như: giấy đi đường (do thủ trưởng cơ quan, đơn vị, UBND phường, xã cấp theo mẫu thống nhất trên toàn địa bàn thành phố), Thẻ nhà báo hoặc thẻ đi chợ kèm theo giấy tờ tùy thân.

Thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị người dân thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện...; bắt buộc khai báo y tế hàng ngày.

Đà Nẵng cũng tạm dừng hoạt động tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (kể cả hoạt động bán mang về của các nhà hàng, cửa hàng, quán ăn, uống).

Các trường hợp được phép hoạt động như: Siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cơ sở dịch vụ khám, chữa bệnh; cửa hàng kinh doanh gas, cửa hàng kinh doanh xăng dầu; ngân hàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng, bổ trợ doanh nghiệp (đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, bảo hiểm...), bổ trợ tư pháp,  kho bạc, chứng khoán; khách sạn sử dụng là cơ sở cách ly y tế tập trung; dịch vụ bưu chính, viễn thông, thư tín, phát hành báo chí; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; dịch vụ vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu; dịch vụ cung ứng suất ăn công nghiệp; các trường hợp đặc biệt khác do Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định.

Chỉ thị này yêu cầu đối với các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất phải có phương án, kịch bản phòng, chống dịch theo quy định.

Trong đó cam kết đầy đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch; tổ chức sản xuất với phương án giãn 50% ca, kíp sản xuất, bộ phận quản lý làm việc trực tiếp không quá 50% số người tại trụ sở.

Chủ cơ sở sản xuất phải chủ động dừng sản xuất khi chưa đủ các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định; trường hợp để xảy ra lây lan dịch bệnh do thiếu trách nhiệm sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Dừng hoạt động thi công tại tất cả các công trình xây dựng. Với các công trình trọng điểm, cấp bách của thành phố chỉ được thi công khi được sự cho phép của UBND thành phố hoặc UBND các quận, huyện.

Với các cơ quan, công sở Nhà nước, cần sắp xếp, bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; làm việc trực tiếp với số lượng không quá 50% tại trụ sở (trừ nhân viên y tế, lực lượng Công an, Quân đội và một số ngành đặc thù khác phục vụ phòng, chống dịch), đảm bảo cơ bản hoàn thành nhiệm vụ; dừng việc tiếp công dân trực tiếp tại Tổ "một cửa" Trung tâm hành chính thành phố và quận, huyện, phường, xã (nhưng vẫn bảo đảm giải quyết, xử lý công việc của công dân và doanh nghiệp); đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; dừng các hoạt động hội họp chưa thật sự cấp thiết;…

Đối với hoạt động vận tải dừng tất cả các hoạt động và phương tiện vận tải hành khách bằng đường bộ, đường thủy, trừ trường hợp vận chuyển phục vụ công tác phòng, chống dịch; vận chuyển người bệnh; công vụ; ngoại giao; vận chuyển công nhân, chuyên gia; các hoạt động vận tải được phép hoạt động phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.

Đối với hoạt động tang lễ không để đám tang quá 48 giờ; chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người; không tổ chức các đoàn viếng; bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục