Đà Nẵng siết chặt quản lý thực phẩm, kiểm soát rượu bia

11:11' - 15/04/2017
BNEWS Ngày 15/4, UBND TP. Đà Nẵng phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” với chủ đề "Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn, kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu".

Đà Nẵng tăng cường thanh tra, phát hiện thực phẩm không an toàn. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là rượu, các loại thực phẩm tươi sống.

Đồng thời, Đà Nẵng tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, kinh doanh thực phẩm để giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các ban ngành, đoàn thể, các quận, huyện phối hợp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm; thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, kiểm soát các nguy cơ chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; lập danh sách các cơ sở sản xuất, giết mổ, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Các đơn vị chức năng cũng vận động người dân tố giác các cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng chất cấm, tiêu thụ và vận chuyển thực phẩm không an toàn...

Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng: Thành phố hiện có khoảng 300 hộ nhỏ, lẻ sản xuất rượu thủ công, trong đó có chỉ có 3 cơ sở được cấp phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh; 2 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất rượu công nghiệp.

Hiện Sở Công thương quản lý, cấp giấy phép kinh doanh rượu, buôn bán rượu cho 24 doanh nghiệp; 428 tổ chức, cá nhân được tuyến quận, huyện quản lý, cấp giấy phép. Công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra được các lực lượng chức năng và địa phương duy trì thường xuyên; ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu được nâng cao. Đến nay, thành phố chưa phát hiện các trường hợp sử dụng methanol, cồn công nghiệp để sản xuất, pha chế rượu...

Tuy nhiên, hiện nay ở Đà Nẵng hầu hết các cơ sở sản xuất rượu là cơ sở nhỏ lẻ, thủ công nên điều kiện về máy móc, trang thiết bị đã lạc hậu, cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm. Mặt khác, hàng hóa đi vào thành phố bằng nhiều con đường khác nhau, thủ đoạn làm giả sản phẩm rượu ngày càng tinh vi, nên công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh rượu giả, nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; đồng thời yêu cầu tất cả các cửa hàng ăn uống khi kinh doanh phải có đăng ký kinh doanh rượu, kê khai rõ nguồn gốc các loại rượu../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục