Đà Nẵng tái cơ cấu các ngành công nghiệp để phục hồi kinh tế

08:15' - 10/01/2022
BNEWS Trong bối cảnh dịch COVID-19, thành phố Đà Nẵng tiếp tục cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin, chủ động tiếp cận xu hướng CMCN 4.0.

Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động đổi mới sáng tạo được xem là chìa khóa thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững đối với thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.

Sự chuyển mình của ngành công nghiệp

Sau 25 năm chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm phát triển của cả nước.

Từ năm 1997 đến 2019, thành phố có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 11,4%/năm, riêng lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tăng 15,3%/năm. Tuy nhiên, do tác động bởi dịch COVID-19 nên các năm 2020 và 2021 tốc độ tăng trưởng suy giảm mạnh.

Ban đầu, ngành công nghiệp thành phố chưa thực sự lớn mạnh dù đa dạng về ngành nghề nhưng công nghệ còn lạc hậu, chủ yếu là ngành khai khoáng, xây dựng...

Thế nhưng đến nay cơ cấu các ngành công nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, bước đầu hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao...

Nếu như năm 1997, toàn thành phố Đà Nẵng chỉ có 2 khu công nghiệp, đến nay đã có 1 khu Công nghệ cao, 2 khu Công nghệ thông tin tập trung, 6 khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 87,1%.

Đáng lưu ý, riêng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 24 dự án; trong đó 12 dự án FDI với tổng số với 545,4 triệu USD và 12 dự án trong nước với tổng số vốn 6.291 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Dương Đình Giám, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp  (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp thành phố Đà Nẵng hiện còn tồn tại nhiều hạn chế.

 

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn chậm, quy mô ngành công nghiệp nhỏ, chưa có bước phát triển đột phá.

Bên cạnh đó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành sản xuất; tốc độ đổi mới, chuyển giao công nghệ còn chậm; thu hút công nghiệp công nghệ cao chưa đạt kỳ vọng...

Đơn cử như công nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực mới và mũi nhọn được ưu tiên tập trung thu hút phát triển tại Đà Nẵn nhưng giai đoạn 2016-2020, giá trị tăng thêm (VA) của lĩnh vực này trong toàn ngành công nghiệp thành phố còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1% VA toàn ngành công nghiệp năm 2020.

Mặt khác, Tiến sỹ Dương Đình Giám cũng cho rằng, trong thời gian tới, dự kiến VA của ngành công nghiệp công nghệ cao sẽ tăng mạnh, khi các dự án mới đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng phát huy năng lực sản xuất như: dự án Nhà máy linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine giai đoạn 1; Nhà máy thiết bị y tế ITC VINA II; Nhà máy số ESTEC; Nhà máy sản xuất thiết bị tự động hóa của Yamato; nhà máy công nghệ Atoma... cũng như việc thu hút các dự án mới vào Khu Công nghệ cao đạt được kết quả khả quan.

Tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao

Dự án nhà máy Trung Nam EMS (Công ty cổ phần Trung Nam Electronics Manufacturing Servies) với tổng mức đầu tư 7 triệu USD đã hoạt động được tròn 1 năm tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Giai đoạn 1 của dự án gồm nhà xưởng 1.000 m2 với 3 dây chuyền Công nghệ dán bề mặt SMT (Suface mounted Technology) có công suất 7.000.000 sản phẩm/năm. Giai đoạn tiếp theo của nhà máy đang được triển khai tại Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng, gồm 5 nhà xưởng quy mô từ 4000 – 6000m2. Mục tiêu trong 5 năm tới, doanh thu hàng năm của chuỗi nhà máy này đạt 1,2 tỷ USD/năm.

Ông Peter Huỳnh - Giám đốc vận hành nhà máy Trung Nam EMS nhận định: Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã và đang đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, nhà ga, cảng biển, logistics... Ngoài ra, thành phố cũng tập trung phát triển lĩnh vực công nghệ cao gắn với đô thị đổi mới sáng tạo và công nghiệp công nghệ thông tin gắn với kinh tế số.

Bởi khi có được sự phát triển bền vững và khả năng chống chịu, ổn định sản xuất kinh doanh trong dịch COVID-19, lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin tại thành phố Đà Nẵng sẽ rất tiềm năng đối với các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Trường Sơn- Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: ngành công nghiệp thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển theo hướng số hóa, công nghệ hóa để tăng năng suất; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, thành phố Đà Nẵng tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp tại thành phố và các địa phương lân cận.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp sẵn sàng tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn – an ninh mạng, công nghiệp chế biến – chế tạo thông minh... từng bước trở thành các ngành công nghiệp chủ lực, có tỷ trọng đóng góp lớn vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố.

Mặt khác, thành phố Đà Nẵng cũng ưu tiên tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hoạt động nghiên cứu – phát triển đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ như: công nghệ robot, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn...

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, tới đây Đà Nẵng sẽ chú trọng phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cân đối tỷ trọng của các khu vực dịch vụ và công nghiệp – xây dựng để duy trì cấu trúc kinh tế phù hợp nhất.

Cụ thể, phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp – xây dựng bình quân trên 11%, duy trì ở mức cao tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân trên 8,5%.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh dịch COVID-19, khu vực công nghiệp có thể phục hồi nhanh hơn khu vực dịch vụ, và tăng trưởng nhanh ở mức cao.

Do vậy, ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% GRDP của thành phố.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đã xác định ngành công nghiệp công nghệ cao là một trong 5 mũi nhọn phát triển kinh tế chính của thành phố Đà Nẵng.

Vì thế, với sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền Đà Nẵng trong cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư cùng với những nỗ lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao sẽ là những đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục