Đà Nẵng tập trung cấp giấy đi đường có mã QRcode cho công nhân khu công nghiệp

16:17' - 07/09/2021
BNEWS Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đang tập trung xét duyệt và cấp giấy đi đường QRcode cho các doanh nghiệp.

Ngày 7/9, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cho biết, thực hiện quyết định số 2905/QĐ-UBND ngày 3/9/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động, ổn định sản xuất, ban quản lý đang tập trung xét duyệt và cấp giấy đi đường QRcode cho các doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký thẻ nhận diện phương tiện để vận chuyển hàng hóa.

Tính đến 12 giờ ngày 6/9/2021, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận 688 lượt hồ sơ đăng ký cấp giấy đi đường QRcode của  các doanh nghiệp, qua đó duyệt 477 hồ sơ hợp lệ, với 38.500 giấy đi đường.

Đồng thời, trả hồ sơ cho 211 hồ sơ doanh nghiệp do trùng tên hoặc không có dự án trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Bên cạnh đó, đã có 171 doanh nghiệp đăng ký thẻ nhận diện phương tiện cho 627 phương tiện, trong đó, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đã gửi Công an thành phố cấp 370 thẻ phương tiện.

Thống kê sơ bộ, ngày 6/9 tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã có khoảng 370 doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, với khoảng 36.935 người làm việc.

Theo ông Phạm Trường Sơn, khi triển khai Quyết định 2905/QĐ-UBND, các doanh nghiệp nêu khó khăn là phần mềm đăng ký cấp giấy đi đường QRcode của thành phố chỉ cấp giấy đi đường đúng theo số lượng nhân viên được phép hoạt động (50% tổng số nhân viên của doanh nghiệp).

Phần mềm chưa cho doanh nghiệp được cấp bù số giấy đi đường đã được thu hồi (do nhân viên sống trong vùng đỏ, thay ca...) nên doanh nghiệp bị thiếu nhân sự.

Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì tỷ lệ tối đa 50% lao động được đi làm (tối đa 70% nếu áp dụng 3 tại chỗ), việc tổ chức sản xuất gặp khó khăn tại một số doanh nghiệp vốn có ít lao động.

Để giải quyết vấn đề này, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng cho phép đi làm 100% số lao động đối với những doanh nghiệp có dưới 50 lao động.

Trong ngày 6/9, lực lượng chức năng đã tổ chức xét nghiệm 2.173 lao động tại 24 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, kết quả không phát hiện ca lây nhiễm mới. Đồng thời, qua kiểm tra cho thấy các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch: 5K, khai báo y tế QRcode, sát khuẩn, và xét nghiệm 100% người lao động…

Ông Phạm Trường Sơn cho biết, trong thời gian tới, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cùng các công ty hạ tầng tại các khu công nghiệp sẽ tiếp tục kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp; xét nghiệm 100% số lao động làm việc tại doanh nghiệp với tần suất 3 ngày/lần.

Đồng thời, giám sát chặt chẽ phương tiện ra vào các khu; bám sát với cơ quan chức năng, chính quyền quận huyện để xử lý vấn đề phát sinh về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ.

Trước đó, từ 8 giờ ngày 16/8 đến 8 giờ ngày 5/9, thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao chỉ được bố trí tối đa 30% số người làm việc và phải thực hiện nghiêm phương châm 3 tại chỗ.

Từ 8 giờ ngày 5/9 đến nay, thành phố Đà Nẵng triển khai Quyết định 2905/QĐ-UBND, đã nới lỏng một số hoạt động trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao nên các doanh nghiệp được phép bố trí tối đa 50% số người làm việc (nếu hoạt động 3 tại chỗ thì được tối đa 70%).

Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, từ cuối tháng 7/2021 đến nay, toàn thành phố Đà Nẵng thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2021.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của thành phố Đà Nẵng trong tháng 8/2021 ước giảm 21,7% so với tháng 7/2021 và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 8 tháng qua, chỉ số IIP tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 42,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm gần 0,1%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%; ngành sản xuất nước và xử lý rác thải giảm 5%.

Mặc dù nhóm ngành chủ lực công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm so với cùng kỳ nhưng để duy trì và đạt được chỉ số sản xuất như trên là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp sản xuất cùng các chính sách linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng, khi hầu hết các khu công nghiệp đều có ca mắc COVID-19 trong thời gian qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục