Đẩy mạnh kết nối Cơ chế một cửa quốc gia

14:58' - 08/12/2016
BNEWS Hiện cả nước mới có 36/280 thủ tục hành chính được đưa lên kết nối trên Cơ chế một cửa quốc gia trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2018 có 80% và đến năm 2020, con số này là 100%.
Cần sớm đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính dựa trên Cơ chế một cửa quốc gia. Ảnh:Danh Lam/TTXVN

Vẫn còn một số tồn tại cả về chủ quan và khách quan dẫn đến việc những lợi ích mà Cơ chế một cửa quốc gia mang lại cho cộng đồng chưa thực sự đầy đủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại, đã khẳng định như vậy tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban, sáng 8/12.

Chuyển động từ người đứng đầu

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của những tồn tại này đến từ cơ chế phối, kết hợp giữa các Bộ, ngành trong thực hiện thủ tục hành chính.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NĐ - CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35/NĐ - CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Vì vậy, Cơ chế này là rất ý nghĩa.

Hiện cả nước mới có 36/280 thủ tục hành chính được đưa lên kết nối trên Cơ chế một cửa quốc gia (chiếm 13%), trong khi mục tiêu đề ra là tham vọng, đến năm 2018 có 80% và đến năm 2020, con số này là 100% thủ tục hành chính (280 thủ tục) thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia.

Do vậy, “trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu, Bộ trưởng mà không chuyển động sẽ khó mà làm được", Phó Thủ tướng nói.

Về mục tiêu việc cải cách thủ tục hành chính tạo Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện với các nước ASEAN;

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đến năm 2018 phải tạo ra bước chuyển biến căn bản, hoàn thành triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; các thủ tục đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng hàng không thông qua Cơ chế một cửa quốc gia;

Kkết nối được ít nhất 80% tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải.

Đến năm 2020, toàn bộ 280 thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đây là điều không dễ dàng, phải thực sự rất quyết tâm mới đạt được.

Song, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, đưa các thủ tục lên Cơ chế một cửa quốc gia nhưng không thu hút được doanh nghiệp tham gia sẽ cũng không đạt được hiệu quả cuối cùng.

“Đưa lên quan trọng là như thế nào, thu hút được bao nhiêu doanh nghiệp, tiết kiệm được bao nhiêu chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, góp phần phát triển kinh tế xã hội thế nào”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

213.000 bộ hồ sơ hành chính được xử lý trên cổng thông tin một cửa quốc gia

Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, hiện 7 nước gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia.

Từ tháng 9/2015, Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa có xuất xứ ASEAN; sẵn sàng chính thức vận hành khi Nghị định thư về khung pháp lý để thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN được đủ 10 nước thành viên phê duyệt.

Tính đến tháng 11/2016, đã có 10/14 bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên cổng thông tin một cửa quốc gia tính đến 25/11/2016 là khoảng 213.000 bộ hồ sơ với sự tham gia của hơn 8.350 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực này.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới của Việt Nam thăng 15 hạng so với năm 2015 (từ 108 lên 93/190 nền kinh tế được khảo sát) và là một trong 4 nước hàng đầu của khu vực (cùng với Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu còn 108 giờ; thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu còn 138 giờ. Thời gian chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu giảm 30 giờ (từ 106 giờ xuống còn 76 giờ); thời gian chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu giảm 33 giờ (từ 83 giờ xuống còn 50 giờ).

Chi phí trung bình để chuẩn bị hồ sơ (cho cả nhập khẩu và xuất khẩu) tại Việt Nam ước khoảng 2,5 USD/giờ. Theo đó, với mỗi lô hàng việc rút ngắn khoảng 30 giờ so với năm 2015 ước tiết kiệm được 75 USD chi phí chuẩn bị hồ sơ. Với 8 triệu lô hàng xuất nhập khẩu trong 10 tháng năm 2016, chỉ riêng chi phí chuẩn bị hồ sơ ước tiết kiệm được khoảng 600 triệu USD.

Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng việc chỉ có 13% thủ tục hành chính được thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia là do nhận thức và trách nhiệm chưa đầy đủ của các bộ, ngành. Nhận thức để thực hiện thành hành động vẫn còn khoảng cách. Để tránh sức ỳ của các bộ, ngành, cần tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý, ban hành nghị định để có tính pháp lý cao và thống nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục