BNEWS
Hải Phòng có nhiều thương hiệu nức tiếng cả nước như bánh đa cua, cá thu một nắng Đồ Sơn, táo Bàng La, vải thiều Bát Trang, dưa Vĩnh Bảo..., song giá trị của những thương hiệu này còn quá mỏng manh.
* Cung lệch cầu Đến thời điểm này, Hải Phòng đã có một số thương hiệu được Bộ Khoa học Công nghệ bảo hộ sở hữu trí tuệ như vải thiều Bát Trang, cá thu một nắng Đồ Sơn, rượu nếp cái hoa vàng Tiên Lãng. Tuy nhiên, vướng mắc đầu tiên của các sản phẩm được gây dựng thương hiệu chính là “cung không đủ cầu” mà táo Bàng La, cá thu một nắng tại Đồ Sơn là ví dụ điển hình.
Mới đây, cá thu một nắng Đồ Sơn được chứng nhận bảo vệ thương hiệu tập thể do 22 hộ chung sở hữu. Người sản xuất phấn khởi vì từ thời điểm bảo hộ, cá thu có nhãn mác được giới thiệu quảng bá nhiều hơn, khách hàng cũng yên tâm về chất lượng hơn khi mua sản phẩm. Tuy nhiên, lại có một nghịch lý, ngay cả khi chưa có nhãn mác thì cá thu một nắng Đồ Sơn cũng đã không đủ cung ứng cho thị trường.
Bà Lương Thị Tuyết, chủ cơ sở sản xuất cá thu một nắng Ngọc Vinh cùng chung sở hữu nhãn hiệu cá thu một nắng Đồ Sơn cho biết, nghề này có khoảng 30 năm nhưng lúc đầu các hộ gia đình chỉ phơi phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Sau này, do nhu cầu của khách du lịch và thị trường nên các hộ mở rộng sản xuất. Nhà nào làm cá có quy mô, uy tín thì sản phẩm làm ra đến đâu đều có khách đặt hết đến đó. Những dịp cao điểm như lễ, Tết còn không đủ hàng để bán.
Tương tự như thực trạng của cá thu, bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân Đồ Sơn chia sẻ, thị trường biết đến táo Bàng La, Đồ Sơn từ 2 năm nay sau khi sản phẩm được giới thiệu tại các hội chợ. Có thương hiệu rồi, giá táo tăng lên gấp 1,5 - 2 lần nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu người tiêu dùng do diện tích trồng không thể tăng đột biến để cung ứng đủ sản lượng.
Những sản phẩm khan hiếm, có sức cạnh tranh thì cung không đủ cầu, nhưng những sản phẩm đặc sản khác thì lại chịu sự cạnh tranh khác. Dưa vàng Vĩnh Bảo và vải thiều Bát Trang đều là loại hoa quả nức tiếng ở Hải Phòng vì vị ngọt đậm, thơm, chất lượng hơn hẳn sản phẩm cùng loại ở nơi khác. Nhưng hoa quả thu hoạch phải tính tới thời điểm quả chín đủ độ mới đạt chất lượng cao. Khi đó, sản phẩm lại phải cạnh tranh với đủ loại hoa quả cùng loại từ chính các vùng sản xuất trong nước và hoa quả nhập khẩu.
Anh Lâm Văn Du, hộ nông dân sản xuất dưa vàng đạt hiệu quả kinh tế cao nhất tại xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo cho biết, giá dưa vàng bán tại ruộng trung bình là 18.000 đồng/kg, nhưng vào lúc cao điểm, thương lái Trung Quốc ép giá xuống chỉ còn từ 12.000 - 14.000 đồng/ kg. Nếu trồng để bán cho hệ thống các siêu thị thì giá cả sẽ được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, người dân mới đang thử nghiệm nên chưa dám mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính bởi chi phí lên tới hàng tỷ đồng trong khi chưa rõ cách cung ứng ra thị trường. "Một vụ dưa có thể giúp kinh tế khá lên nếu thành công nhưng cũng có thể bị phá sản vì "bấp bênh" nên ít ai dám mạo hiểm" - anh Du cho biết.
* Xây dựng thương hiệu bền vững Tình trạng sản xuất phập phù, cung không đủ cầu, thương hiệu khó đứng vững trên thị trường, dễ bị trà trộn với các sản phẩm cùng loại khác là do các hộ sản xuất sản phẩm đặc sản tại Hải Phòng thiếu vốn và sản xuất với quy mô nhỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Loan, chỉ với 300 triệu đồng ban đầu do Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ, Hội Nông dân Đồ Sơn đã giúp một số hộ chung sở hữu thương hiệu cá thu một nắng có thêm nguồn vốn để "làm ăn to". Khi có vốn, các chủ tàu sẽ cung cấp đủ nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất chung thương hiệu, giúp sản xuất đảm bảo an toàn, ổn định - lợi cả đôi đường. Nếu có thêm nguồn vốn, các hộ sẽ xây dựng được quy trình sản xuất cá thu một nắng và hệ thống lò sấy, quy trình đóng gói sản phẩm. Như vậy, khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ đạt tiêu chuẩn cao hơn, sản phẩm bán được nhiều hơn. Nhờ đó, người lao động có thêm công việc, tăng thu nhập, còn Đồ Sơn lại giữ được nghề truyền thống, tạo nên nét đẹp riêng, quà tặng độc đáo cho du khách khi đến du lịch, nghỉ dưỡng tại đây.
Cách làm của Hội Nông dân Đồ Sơn cũng là hướng đi chung của một số đơn vị tại Hải Phòng nhằm giữ gìn, xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản. Ông Lâm Đức Điều, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng, Vĩnh Bảo cho biết, để bảo vệ thương hiệu dưa vàng Tân Hưng, Hợp tác xã động viên bà con nông dân tham gia các hội chợ nông sản, chào sản phẩm tại chuỗi siêu thị, kêu gọi đầu tư hệ thống nhà kính, tưới tiêu để có nguồn cung đảm bảo.
Trong vụ sản xuất dưa hè, xã Tân Hưng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng hỗ trợ 30% giá giống cho 40 ha dưa vàng, tạo cú hích nhỏ giúp nông dân phấn khởi, yên tâm đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đi ban đầu của các đơn vị nhỏ lẻ. Muốn sản phẩm đặc sản của Hải Phòng phát triển, sự vào cuộc của ngành nông nghiệp và công thương sẽ có tác động tích cực đối với lĩnh vực sản xuất này./.