Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và cử tri đặc biệt quan tâm giao thông đô thị

22:28' - 07/12/2023
BNEWS Nhóm vấn đề lĩnh vực giao thông đô thị được các đại biểu HĐND thành phố và cử tri đặc biệt quan tâm.

Ngày 7/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI dành một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nhóm vấn đề lĩnh vực giao thông đô thị được các đại biểu HĐND thành phố và cử tri đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Nội dung chất vấn về lĩnh vực giao thông đô thị là vấn đề quan trọng, cấp thiết, thách thức đặt ra trong thực tiễn phát triển của thành phố.

Qua phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, lĩnh vực giao thông đô thị luôn được Trung ương, thành phố Hà Nội quan tâm, tập trung chỉ đạo.

Nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng như: đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3 và vừa qua là khởi công dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô; các tuyến đường hướng tâm, xuyên tâm, quốc lộ, tỉnh lộ, đường kết nối các khu đô thị… để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng, phát triển đô thị, thúc đẩy kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Công tác quản lý, tổ chức, điều hành giao thông cũng được tăng cường, từng bước nâng cao hiệu quả, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, văn minh đô thị.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý giao thông đô thị trên địa bàn thành phố. Cụ thể, các đại biểu cùng đặt câu hỏi về vấn đề các dự án bãi đỗ xe chậm triển khai, yêu cầu các sở, ngành giải trình, làm rõ khó khăn, vướng mắc, có giải pháp khắc phục.

Trả lời vấn đề các đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, theo quy hoạch, thành phố có 1.620 bãi đỗ xe, trong đó có 73 bãi đỗ xe ngầm. Đến nay, Hà Nội đã triển khai xây dựng được 96 bãi đỗ xe và đang xem xét để điều chỉnh chủ trương đầu tư với 52 bãi.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, quá trình khai thác bãi đỗ xe ở khu vực trung tâm khu dân cư có tính hấp dẫn cao, còn bãi đỗ xe quy hoạch xa dân cư, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ thì không hấp dẫn. Chủ đầu tư xong thì không lấp đầy được. Mặt khác, giá trông giữ xe bị khống chế trong khi giá thuê đất cao, đặc biệt bãi đỗ xe ngầm đầu tư lớn...

Trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu thành phố báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để làm rõ một số nội dung theo luật chuyên ngành nhằm thống nhất phê duyệt chủ trương, giao đất, tính tiền sử dụng đất với bãi đỗ xe.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư và gửi các sở, ngành, quận, huyện tập hợp đưa vào kêu gọi để lựa chọn nhà đầu tư. Với khu vực có nhu cầu cao, việc tính toán khả năng đầu tư không hòa vốn được, ngoài việc dài hạn theo đối tác công tư, ngân sách có thể bỏ ra đầu tư để giải quyết vấn đề đang bức xúc về bãi đỗ xe ảnh hưởng giao thông đô thị trên địa bàn.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến Trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết thêm, Sở đang kiến nghị Bộ Xây dựng khi làm công trình hỗn hợp bãi đỗ xe kết hợp công trình không gian ngầm thì tính toán diện tích này hợp lý, tránh tăng thêm hệ số sử dụng đất của công trình. Ngoài ra, khuyến khích sử dụng công nghệ cao trong sử dụng bãi đỗ xe để có công suất tốt nhất cho một đơn vị bãi đỗ xe.

Đáng chú ý, các đại biểu HĐND thành phố cũng nêu vấn đề nhiều tuyến xe buýt kém chất lượng (nội thất xuống cấp, khí thải không đảm bảo, thái độ nhân viên phục vụ chưa tốt) và tài xế xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách gây tai nạn giao thông. Các đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, nguyên nhân, giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng của Thủ đô.

Trả lời về vấn đề nêu trên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Sở đã báo cáo thành phố ban hành quy định về đánh giá chất lượng dịch vụ các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt. Theo đó, nếu đơn vị xe buýt quản lý lái xe, phụ xe không tốt thì được đánh giá vào chất lượng dịch vụ và khi đơn vị tham gia đấu thầu, những kết quả này sẽ hiển thị.

Làm rõ hơn vấn đề đại biểu quan tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam cho biết, Tổng Công ty đang vận hành 71 tuyến buýt có trợ giá. Mỗi ngày trung bình vận chuyển 11.000 lượt xe.

Tháng 7/2022 (sau COVID-19) xe buýt được khôi phục hoạt động trở lại thì đã bộc lộ một số khiếm khuyết, tồn tại: Thói quen đi lại của người dân thay đổi, người dân chuyển sang đi lại bằng phương tiện cá nhân khiến sụt giảm lượng hành khách, sụt giảm doanh thu, “chảy máu” lao động... Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo lại lái xe. Ngoài ra số phương tiện sau thời gian dài không hoạt động cũng bị xuống cấp.

Thời gian qua, Tổng Công ty đã đưa ra nhiều giải pháp, lộ trình để nâng cao chất lượng dịch vụ; tìm thêm nguồn lực để tăng bù đắp, thu nhập cho người lao động. Trong 11 tháng năm 2023, đơn vị đã kiểm tra gần 120.000 lượt xe và xử lý gần 1.100 trường hợp vi phạm.

Đối với phương tiện, hiện nay Tổng Công ty có 70% phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Hàng năm, Tổng Công ty đã đầu tư mới gối đầu xe hết niên hạn, do vậy xe cuối chu kỳ cũ, xấu.

Thời gian qua, Tổng Công ty cũng đã ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng, an toàn kỹ thuật, hình ảnh xe ra tuyến; phân cấp mạnh mẽ về nguồn lực, gắn các chỉ tiêu cho những người trực tiếp quản lý lĩnh vực, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Các giải pháp này dù mới đưa vào nhưng đã có chuyển biến bước đầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục