Đại biểu quốc hội chất vấn về kinh phí cho chương trình giáo dục phổ thông mới

14:48' - 06/11/2020
BNEWS Ngày 6/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chấn vấn tại hội trường. Nhiều đại biểu đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề đầu tư kinh phí đổi mới sách giáo khoa.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 6/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chấn vấn tại hội trường. Nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về vấn đề đầu tư kinh phí đổi mới sách giáo khoa và ban hành hướng dẫn thực hiện nội dung về khối lượng văn hóa dạy trong các trường nghề.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu câu hỏi về kinh phí thực tế chi trả từ ngân sách quốc gia và vay từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu và tổ chức tập huấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Chính phủ phê duyệt kinh phí tổng thể cho dự án đổi mới chương trình, sách giáo khoa là 80 triệu USD, trong đó có 77 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA và 3 triệu USD vốn đối ứng.

Trong cấu phần dành cho biên soạn sách giáo khoa như thiết kế ban đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ là không sử dụng hết khoản tiền này; theo đó Chính phủ đã báo cáo Quốc hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lại 16,5 triệu USD kinh phí xây dựng bộ sách giáo khoa, để trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nguồn kinh phí còn lại Bộ đã sử dụng để triển khai xây dựng chương trình, cũng như các hoạt động phát triển chương trình tổng thể và môn học. Tính đến tháng 12/2020, số kinh phí đã sử dụng khoảng 12 triệu USD, tương đương hơn 200 tỷ đồng.

Bộ cũng đã tiến hành rà soát tất cả những chi phí không thiết thực liên quan đến công tác tập huấn, đặc biệt trong khoảng thời gian dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp vừa qua.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Bộ sử dụng kinh phí vào những khoản thực chi; trả lại Chính phủ 29,7 triệu USD tiết kiệm được. Thực hiện chủ trương của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang tiếp tục xã hội hóa, tăng cường kiểm soát, tiết kiệm chi ngân sách cho biên soạn sách giáo khoa.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về nguyên nhân chậm ban hành hướng dẫn khối lượng văn hóa dạy trong các trường nghề, trong khi đến nay, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã thi hành 5 năm và Bộ trưởng đã hứa đến tháng 9/2020 sẽ ban hành.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Khối lượng văn hóa được dạy trong các trường phổ thông, trường bổ túc văn hóa, trường nghề là vấn đề hết sức phức tạp, Bộ đã chỉ đạo các ban soạn thảo tính toán phù hợp. Trong quá trình chuẩn bị thông tư hướng dẫn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu các trường nghề vẫn dạy theo chương trình quy định.

“Luật Giáo dục năm 2019 có quy định các trường nghề được dạy văn hóa, chúng tôi đã lấy ý kiến và tôi đã trực tiếp làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để thảo luận vấn đề này, đến nay đã xong dự thảo thông tư, cuối năm nay dự kiến ban hành”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cần có thời gian để đối chiếu các chương trình với nhau nhằm tránh chồng chéo nội dung, đảm bảo thông tư mạch lạc.

Trong quá trình chuẩn bị, chưa ban hành được thông tư hướng dẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 4656 trả lời Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trước mắt đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc các trường nghề tiếp tục dạy nội dung hiện hành cho tới khi có văn bản mới.

Hai Bộ đang tích cực phối hợp nhằm sớm ban hành thông tư này, cố gắng cao nhất để khi thông tư được ban hành thực sự mạch lạc, có tính thực tế và khả thi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục