Đại biểu Quốc hội chỉ ra bất cập trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 trong năm nay. Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp. Do đó, dự thảo sửa đổi luật lần này được đông đảo người dân, doanh nghiệp và các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trao đổi bên lề Quốc hội với phóng viên TTXVN, các đại biểu đều đồng tình và ủng hộ việc cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để chính sách thuế ngày càng hoàn thiện, phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về mức thuế suất, đối tượng chịu thuế, đặc biệt cần đảm bảo quyền lợi cho nông dân, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Hà Nội: Cân nhắc về định hướng tăng mức thuế suất phổ thông
Định hướng tăng mức thuế suất phổ thông là vấn đề rất cần cân nhắc. Vì hiện nay muốn khuyến khích, thúc đẩy sản xuất thì phải giảm thuế. Nếu tiếp tục tăng thuế giá trị gia tăng sẽ xảy ra tác động ngược so với mong muốn. So với mặt bằng chung của thế giới, thuế của Việt Nam có thể vẫn thấp nhưng nếu so với các nhóm nước đang phát triển lại không phải là thấp.
Do đó, việc cải cách thuế hướng vào tăng thuế giá trị gia tăng cần được cân nhắc kỹ. Trên thực tế, Việt Nam còn có dư địa cải cách thuế ở nhiều lĩnh vực khác. Điển hình như thuế tài sản, hầu như chưa thu được đồng nào trong khi thuế tài sản sẽ điều tiết thu nhập, hoạt động của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người có thu nhập cao, tài sản lớn.
Đơn cử như nếu tăng thuế giá trị gia tăng lên 5% đối với phân bón nhập khẩu vào bán cao hơn mức hiện nay thì có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu. Nhưng ở góc độ người nông dân sẽ chịu mức thuế 5% cộng vào giá bán, rất bất lợi cho sản xuất. Bởi vậy không nên áp dụng quy định này, nhất là khi Việt Nam đang lấy nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế, do đó phải tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.
Riêng việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024, tôi lại rất đồng tình. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai giảm thuế thì mục tiêu giảm giá hàng cuối cùng đến người tiêu dùng nhưng có lẽ số lượng người tiêu dùng được hưởng không nhiều, trừ trường hợp mua hàng có hóa đơn chứng từ. Còn phần lớn hàng hóa dịch vụ đang tiêu dùng hiện nay gần như không có hóa đơn chứng từ.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang): Người nông dân bị thiệt là bất cập lớn nhất
Về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024, rõ ràng chúng ta giảm thuế không theo kế hoạch, dự báo dài hạn mà thực hiện một cách chắp vá, có thể nói là "chính sách giật cục". Cho nên rất khó khăn cho các đơn vị dự toán, nhất là tại các địa phương. Đầu năm dự toán có khoản thu, nhưng sau đó chính sách điều chỉnh sẽ không còn khoản thu đó mà phải bù đắp từ nguồn khác. Như vậy sẽ vỡ kế hoạch thu, đây là khó khăn cho các địa phương.
Thứ hai, chúng ta vẫn xử lý tình huống như giai đoạn dịch COVID-19, các chính sách vẫn trên cơ sở dịch bệnh. Trong khi đó, bối cảnh năm 2022 và đầu năm 2023 khác so với hiện tại, nhưng vẫn áp dụng dập khuôn một chính sách.
Cũng cần phải nhìn nhận hiệu quả chính sách này, nếu giảm thuế giá trị gia tăng 2%, mức thu sẽ giảm 24.000 tỷ đồng trong 6 tháng, 1 năm là 48.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế qua báo cáo tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm, tức là chính sách không cho thấy tác dụng kích cầu.
Đây là chính sách không thực sự là rõ ràng. Nhìn vào con số cụ thể, trong năm nay, tổng mức huy động thuế, phí trên GDP chỉ còn chưa đến 14%, trong khi nhiệm kỳ trước là từ 16 - 17 %.
Như vậy, chính sách "khoan thư sức dân" đang thực hiện rất rõ nét. Trong khi đó, nếu thu thuế cao, người dân, doanh nghiệp sẽ khó khăn, nhưng đổi lại sẽ giúp tăng nguồn lực chi ngân sách, qua đó tạo ra sức cầu, đặc biệt là chi tiêu công thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ cho nền kinh tế.
Do đó, phải xem xét thận trọng phương án nào tối ưu để lựa chọn, chứ không phải lúc nào cũng "bài cũ soạn lại".
Muốn tăng trưởng không phải chỉ có tăng sức cầu, mà phải từ cả các lĩnh vực khác như là đầu tư, do đó cần có nguồn tiền. Để có tiền đầu tư cần giữ nguồn thu ở mức hợp lý, không nên giảm thu nhiều gây thâm hụt ngân sách, các khoản chi tiêu không có. Đây là bài toán cần giải quyết, cho nên dự thảo luật lần này khiến tôi thấy rất băn khoăn. Do đó, cần giải trình một cách thấu đáo, toàn diện.
Còn về thuế giá trị gia tăng, tôi nhất trí về việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để chính sách thuế ngày càng hoàn thiện, phù hợp quốc tế, tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách hệ thống chính sách thu minh bạch, hiệu quả.
Tuy nhiên, trong phần chính sách thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) lần này, tôi thấy có một điểm đó là vấn đề sẽ chuyển sản phẩm phân bón, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt cá xa bờ, từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Trong khi đó, đây là những lĩnh vực hoàn toàn phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn.
Chúng ta đang có định hướng ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng lần này cải cách thuế lại tăng thuế đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Tăng thuế đầu vào, tức là tăng giá của các loại vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị đầu vào sản xuất nông nghiệp. Tăng giá đầu vào sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tăng chi phí của nông dân. Do đó, tôi cũng rất băn khoăn về điều này.
Bộ Tài chính đã có báo cáo đánh giá tác động chính sách này, lĩnh vực phân bón tăng thu 6.200 tỷ đồng, chưa nói tới các máy móc, thiết bị nông nghiệp. Bản chất của số tiền này là thu từ nông nghiệp, nông dân. Trong khi nông nghiệp, nông dân của Việt Nam đa số là sản xuất nhỏ lẻ, không có kế toán để khấu trừ đầu vào, đầu ra như doanh nghiệp. Do đó, 6.200 tỷ đồng này được cộng vào trong giá thành sản phẩm nông nghiệp, người nông dân sẽ bị thiệt, đây là bất cập lớn nhất.
* Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn Hậu Giang: Hàng hóa, dịch vụ biếu, tặng, cho với mục đích không phải chịu thuế
Hiện nay hàng hóa dịch vụ thuộc diện biếu - tặng - cho trong nước vì mục đích từ thiện vẫn thuộc diện chịu thuế với giá tính thuế được xác định bằng với giá của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh hoạt động này. Dự thảo Luật mới chỉ coi hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, chiến tranh được xếp vào diện không chịu thuế quy định tại khoản 26, điểm d, Điều 5. Như vậy, hàng hóa cho - biếu - tặng với mục đích từ thiện nhập khẩu thì mới không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Còn hàng hóa dịch vụ cho - biếu - tặng trong nước với mục đích từ thiện cũng vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Trong khi đó, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước là khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội. Nghị quyết 41 năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ "khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo". Pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện cũng coi chi phí ủng hộ địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, địa chỉ từ thiện là chi phí được khấu trừ.
Có nhiều trường hợp doanh nghiệp cho - biếu - tặng hàng hóa, dịch vụ vì mục đích từ thiện, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu. Nhưng nếu phải nộp thuế giá trị gia tăng cho lượng hàng hóa, dịch vụ này thì doanh nghiệp sẽ phải sử dụng tiền từ nguồn thu khác.
Trường hợp thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp như dịch COVID-19 vừa qua, không ít doanh nghiệp đã dừng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường để chuyển sang cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ công tác phòng chống dịch và tặng luôn cho nhà nước. Nếu khi đó vẫn yêu cầu doanh nghiệp này phải nộp thuế giá trị gia tăng cho những khoản đó thì sẽ rất bất hợp lý.
Do đó, có thể xem xét để bổ sung vào Điều 5 đối với các loại hàng hóa dịch vụ dùng để tặng - cho - biếu với mục đích từ thiện sẽ thuộc đối tượng không phải chịu thuế.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Cân nhắc việc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón
19:51' - 17/06/2024
Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 17/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
-
Doanh nghiệp
Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: “Ba nhà đều lợi”
10:25' - 14/06/2024
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó phân bón được đưa vào diện chịu thuế 5%, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 sắp tới.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thương mại nông lâm thủy sản
21:25' - 28/05/2025
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy hội đàm với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thống nhất tháo gỡ vướng mắc xuất khẩu sầu riêng, khơi thông “luồng xanh” vải thiều và hợp tác nông sản.
-
Kinh tế Việt Nam
Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội
21:22' - 28/05/2025
Chiều 29/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội đối thoại với công nhân: Gỡ khó nhà ở, nâng lương, chăm lo an sinh
21:04' - 28/05/2025
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đối thoại hơn 200 công nhân, lắng nghe, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về nhà ở, lương, bảo hiểm, an sinh – hưởng ứng Tháng Công nhân 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét
20:39' - 28/05/2025
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó thiên tai, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trong bối cảnh nguy cơ cao mùa mưa bão 2025, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng chỉ thị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2026
20:07' - 28/05/2025
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/5/2025 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2026.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa thị trường vàng trong nước và thị trường quốc tế
19:42' - 28/05/2025
Chiều 28/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng trong thời gian tới.
-
Kinh tế Việt Nam
Sắp diễn ra chuỗi sự kiện vì môi trường xanh, biển sạch
19:19' - 28/05/2025
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, kêu gọi chung tay chống ô nhiễm nhựa và bảo vệ đại dương xanh.
-
Kinh tế Việt Nam
Truy xuất nguồn gốc: Chìa khoá bảo vệ người tiêu dùng trước nạn hàng giả
18:51' - 28/05/2025
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa đóng vai trò then chốt trong minh bạch hóa thông tin và bảo vệ người tiêu dùng, giữ gìn uy tín cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Nauy cam kết hỗ trợ hành trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam
16:29' - 28/05/2025
Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi các bài trình bày kỹ thuật cung cấp các thông tin cập nhật mới nhất về các công nghệ chủ chốt như điện gió ngoài khơi, hydrogen...