Đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công
Tại cuộc thảo luận tổ chiều 22/7 về các báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công.
* Đại biểu Dương Văn Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang): Thủ tục biến thành “rào cản” tiến độ giải ngân
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là việc ai cũng muốn, nhưng việc giải ngân nguồn vốn này của năm 2021 đến nay vẫn chưa phân bổ thì làm sao thực hiện được giải ngân. Đó là chưa kể phân bổ xong còn phải phê duyệt dự án vì theo quy định của Luật Đầu tư công, phải bố trí được 30% vốn thì mới được phê duyệt. Mặt khác, dự án được phê duyệt thì còn phải tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cũng mất khoảng 2 tháng hoặc tổ chức đấu giá... Sau đó, nếu dự án đầu tư công thuộc nhóm công trình đường giao thông thì thời gian lại kéo dài thêm nữa bởi hàng loạt thủ tục. Đơn cử như việc giải phóng mặt bằng, tiến độ có nhanh cũng phải mất từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu dự án làm đường giao thông mà rơi vào khu vực đất nông nghiệp lớn cần giải tỏa với diện tích khoảng 10 ha đất lúa thì theo quy định Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mới được thu hồi. Thời gian thực hiện khâu này cũng khoảng 6 tháng đến 1 năm hoặc trung bình là 9 tháng. Do đó, hiện nay vẫn không có cách nào để nào đẩy nhanh thời gian thực hiện các thủ tục này. Bởi vậy, dù Luật Đầu tu công đã sửa đổi, nhưng thực hiện theo kiểu “ăn đong” hàng năm như hiện nay thì áp lực giải ngân vốn đầu tư công vẫn lặp đi lặp lại và không thể cải thiện tiến độ giải ngân. Thực tế cho thấy, nhìn vào tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ thấy điểm bất thường ở chỗ có tiền nhưng phải giục tiêu tiền. Thông thường người ta chỉ lo thiếu tiền, nhưng nay lại diễn ra nghịch lý phải thúc giục tiêu tiền. Điều này ở kỳ giao ban trực tuyến nào cũng được thảo luận, “ép” nhau phải giải ngân nhanh. Đây là những nút thắt cần tháo gỡ. Đơn cử như tỉnh Bắc Giang, năm 2020 đã tổ chức đầu giá đất mỏ khoáng sản, nhưng chưa có địa phương nào trên cả nước tổ chức thực hiện nên muốn tham khảo cũng khó. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công bắt buộc phải đấu giá nên tỉnh Bắc Giang đã tiến hành đấu giá được 23 mỏ. Thế nhưng tiếp tục vướng mắc bởi đấu giá xong không biết giải phóng mặt bằng như thế nào. Bởi trên thực tế, đất đồi đã giao cho dân thuê thì nay lấy lại phải thỏa thuận, chứ nhà nước không có trách nhiệm thu hồi. Do đó, khi đấu giá xong không thể thỏa thuận được với dân. Điều này thể hiện việc luật nọ đang “mắc” luật kia, chồng chéo, thiếu thống nhất gây khó khăn cho việc thực hiện các dự án cũng như tiến độ giải ngân vốn. Đây cũng là tình huống khó khăn mà nhiều địa phương đã gặp phải. Trong nhiệm kỳ mới này, cần tháo gỡ và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Ngay như việc thu hồi đất, hàng năm các tỉnh được giao hạn mức phải thu hồi đất lúa tại địa phương theo thời hạn sử dụng, nhưng nếu cứ áp quy định nêu trên sẽ mất rất nhiều thời gian. Hiện nay, các dự án thường lớn và vượt con số 10 ha khá phổ biến ở nhiều đia phương trong cả nước. Bởi vậy, xuất hiện tình trạng chia nhỏ dự án để diện tích thu hồi đất lúa chỉ khoảng 9,5 ha/dự án để thủ tục giải quyết nhanh gọn ngay tại địa phương. Tuy nhiên, cách “lách” như vậy là vi phạm... Bên cạnh đó, Luật Xây dựng cũng còn bất cập và ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Hiện luật này quy định công trình trên 10 tầng là do Bộ Xây dựng thẩm định. Thế nhưng, nguồn nhân lực ít và cả nước có biết bao nhiêu công trình như thế này. Vậy thì thẩm định đến bao giờ mới xong để thực hiện dự án. Tại một số địa phương đã chọn phương án xây công trình dưới 10 tầng để cấp tỉnh thẩm định cho nhanh. Đó là chưa kể công trình xây dựng 10 tầng do Bộ Xây dựng thẩm định để cấp phép, nhưng sau đó còn phải đưa vào nghiệm thu rồi mới được đi vào sử dụng. Đây cũng là quãng thời gian dài phải đợi chờ. Tại Bắc Giang có dự án cải tạo chung cư cũ và nhà chung cư mới đã xây xong cả năm, nhưng dân vẫn chưa vào ở được vì Bộ Xây dựng chưa thẩm định, gây khó khăn cho địa phương. Nếu đẩy mạnh phân cấp cho địa phương và địa phương chịu trách nhiệm thì sẽ tháo gỡ bớt được những “rào cản”. * Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH Đắk Nông): Chấn chỉnh việc tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư côngNhững báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm hay kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đều đề cập đến vấn đề đầu tư công.
Trong khi pháp luật về đầu tư công đã cơ bản được hoàn thiện thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) năm 2019, nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, gặp nhiều vướng mắc mắc. Thậm chí theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay còn chậm hơn cùng kỳ năm 2020. Con số này cho thấy, Chính phủ đã nhìn thẳng vào hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện vốn đầu tư công hiện nay. Một trong những yếu tố dẫn đến hạn chế này là do trước đây việc đầu tư công được tính theo năm. Nghĩa là đến giữa năm, các tỉnh mới báo cáo trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và xây dựng kế hoạch đầu tư công những năm tiếp theo. Đến nay, quy định đầu tư công chuyển sang tính theo cả giai đoạn. Theo đó, trên cơ sở tài chính 3 năm, 5 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thì mới đặt ra kế hoạch đầu tư công của cả giai đoạn. Ngoài ra, việc pháp luật quy định các thủ tục đưa vào danh mục đầu tư công rất chặt chẽ, từ xác định nguồn vốn, chủ trương đầu tư đến quyết định đầu tư, phân bổ vốn, thời hạn... Bên cạnh đó, thời gian qua, chính việc tuân thủ các quy định này của Luật Đầu tư công chưa nghiêm dẫn đến tình trạng lập kế hoạch đầu tư công rất chậm. Thực tế Luật quy định phải có danh mục đầu tư mới trình Quốc hội ban hành quyết định đầu tư, nhưng vẫn còn tình trạng phải quyết định đầu tư công khi chưa thông qua danh mục. Vấn đề này thuộc về nguyên nhân chủ quan và ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan khi triển khai trình Quốc hội. Về phía Chính phủ cần quyết liệt hơn để khắc phục tình trạng này. Ngoài ra, Chính phủ cần lưu ý về phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát; trong đó, coi trọng việc bổ sung xử lý vi phạm. Mọi hành vi vi phạm cần được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Từ đó sẽ thu được kết quả tốt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công bởi không thể để tình trạng giải ngân chậm rồi cứ chuyển nguồn từ năm này sang năm khác. Khi tiền đã có, đi vay rồi, nhưng lại không giải ngân được và vẫn phải trả lãi dẫn đến lãng phí nguồn vốn đầu tư công. * Đại biểu Nguyễn Phú Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình): Cân nhắc điều chuyển nguồn ngân sách Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%, trong khi đó tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Theo tôi, vấn đề này cần phải nhìn nhận ở nhiều khía cạnh. Cụ thể, để mang lại hiệu quả đầu tư công phải xem xét đến vấn đề danh mục đầu tư cần chuẩn bị cũng như xây dựng dự toán thế nào cho phù hợp. Việc đề ra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm nhằm xác định mục tiêu trong 5 năm tới sẽ có nguồn lực như thế nào. Do đó, đến năm nào các đơn vị có khả năng giải ngân sẽ đề xuất mức vốn và hoàn toàn yên tâm trong 5 năm có đủ tiền thực hiện. Không nhất thiết năm nào cũng xin ngân sách, nhưng không bảo đảm thực hiện giải ngân. Trong công tác tài chính, việc giải ngân không đạt mục tiêu đề ra có tác động xã hội rất lớn, nhất là câu chuyện trong kỳ vẫn huy động vay bù đắp bội chi ngân sách để bảo đảm dự toán, nhưng kết thúc tiền không thực hiện giải ngân được. Câu chuyện này kéo theo vấn đề chi phí lãi vay mà ở đây là lãi vay của chính ngân sách Nhà nước và nợ công tiếp tục tăng. Riêng đối với một số khoản chưa phân bổ ngân sách, Chính phủ đề nghị chuyển phân bổ cho nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, nhiệm vụ đã phân bổ chưa thực hiện được thì nên cân nhắc giữ lại để chuyển nhiệm vụ khác hay không. Trong khi đó, thực tế cho thấy có những khoảng phân bổ được chuyển lại nhiều năm, songg vẫn không thực hiện triệt để. Tôi cho rằng, chuyển sang năm 2021, đối với nhiệm vụ nào không phân bổ được thì nên cắt giảm dự toán, giảm bớt bội chi huy động. Lúc này, câu chuyện lãi vay cũng sẽ giảm bớt, tránh luẩn quẩn trong vòng huy động vốn để đấy rồi Kho bạc Nhà nước phải gửi sang ngân hàng, ngân hàng lại đi huy động lại trái phiếu kho bạc, trong khi nhiều nhiệm vụ khác cần thực hiện. Trong 6 tháng cuối năm, ngoài nhiệm vụ tập trung thực hiện như Chính phủ đã nêu, về phía Quốc hội cần mạnh dạn cho dừng những nhiệm vụ sử dụng ngân sách không phù hợp. Trường hợp điều chỉnh phải có căn cứ và cân bằng chi phí hợp lý./.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: 5 nhóm vấn đề lớn cử tri và nhân dân kiến nghị
14:07' - 22/07/2021
Cử tri và nhân dân đã kiến nghị 5 nhóm vấn đề lớn tới kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững
12:43' - 22/07/2021
Sáng 22/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Bên lề Quốc hội: Các "trợ lực" chính sách bắt đầu đi vào cuộc sống
12:39' - 22/07/2021
Về giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội).
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Quốc hội: Đề xuất áp dụng mức thuế 10% cho các cơ quan báo chí
11:43'
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật có những chính sách mạnh hơn cho các cơ quan báo chí, không chỉ giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí mà có thể giảm xuống 5%.
-
Kinh tế Việt Nam
Thông xe cầu Rạch Đỉa kết nối khu Nam Tp. Hồ Chí Minh
10:24'
Sáng 28/11, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh và Sở Giao thông Vận tải tổ chức thông xe, đưa vào khai thác công trình cầu Rạch Đỉa, vượt tiến độ 1 tháng.
-
Kinh tế Việt Nam
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
10:12'
Năm 2025, các tỉnh phía Bắc đặt mục tiêu sản xuất khoảng 2,2 triệu ha lúa, năng suất đạt khoảng 58,8 tạ/ha, sản lượng đạt gần 13 triệu tấn
-
Kinh tế Việt Nam
Hàng Việt trước “làn sóng” thương mại điện tử xuyên biên giới
09:17'
Với sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shopee, Lazada, TikTok Shop cùng Temu và Shein của Trung Quốc... hàng Việt đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
-
Kinh tế Việt Nam
Ngành công thương chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
18:53' - 27/11/2024
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện 9611/CĐ-BCT ngày 26/11 về việc chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
18:47' - 27/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thành phố tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tránh để tình trạng dự án chậm triển khai gây lãng phí lớn.
-
Kinh tế Việt Nam
Bàn giao xong cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình
18:45' - 27/11/2024
Đến nay, các huyện đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
18:36' - 27/11/2024
Ban Chỉ đạo có 19 thành viên, trong đó, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo.
-
Kinh tế Việt Nam
Hải Dương ước giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 30% kế hoạch
18:26' - 27/11/2024
Hải Dương ước giải ngân cả năm 2024 là trên 9.163 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 97% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán và bằng 132,2% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (6.931,7 tỷ đồng).