Bên lề Quốc hội: Các "trợ lực" chính sách bắt đầu đi vào cuộc sống

12:39' - 22/07/2021
BNEWS Về giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội).

Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ đã điểm lại những thành tựu nổi bật trong việc duy trì thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và đề ra các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Liên quan đến nội dung này, bên lề kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV ngày 22/7, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội).

Phóng viên: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã đặt “mục tiêu kép”. Xin đại biểu đánh giá về kết quả đã đạt được trong hai quý đầu năm?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Từ đầu năm đến nay, các làn sóng dịch COVID-19 đổ dồn dập đã ảnh hưởng lần lượt đến nhiều lĩnh vực. Một làn sóng ảnh hưởng đến tiêu dùng, du lịch và một làn sóng ảnh hưởng ở khu vực trọng điểm kinh tế liên quan đến các khu công nghiệp và thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh. Điều này tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế nhưng tuy vậy, kết quả tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước vẫn đạt 5,64%.

Nhìn tổng quát trong xu thế nền kinh tế,  GDP của quý II/2020 rơi vào mức thấp nhất từ 0,39%, nhưng đã tăng dần đến quý II/2021 với con số đạt khoảng 6,61%. Điều này cho thấy, xu thế đang ở đà đi lên. Do đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh thì Việt Nam sẽ giữ được đà tăng trưởng đó và những mục tiêu đặt ra cho năm 2021 có thể đạt được.

Tuy nhiên, xu hướng này phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh, nếu kiểm soát tốt tăng trưởng thì đạt được các mục tiêu đề ra. Trong trường hợp diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn, cụ thể như biến thể mới (Delta) sẽ tiếp tục ảnh hưởng hoặc phát sinh thêm tình huống mới thì vẫn cần có các kịch bản điều hành linh hoạt.

Trong thời điểm diễn biến dịch phức tạp nhất tại Bắc Giang, Bắc Ninh, nước ta đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, khống chế  được dịch và duy trì hoạt động kinh tế bình thường ở khu công nghiệp cũng như hoạt động tiêu thụ nông sản.

Thực tế này cho thấy, phải luôn luôn sẵn sàng trong trạng thái ưu tiên phòng chống dịch; đồng thời, duy trì hoạt động kinh tế và đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hoá hay để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ… Nếu làm được như vậy, tôi nghĩ rằng vẫn duy trì được mục tiêu kép.

Phóng viên: Báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 có nhắc tới nguy cơ kinh tế Việt Nam lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine. Đại biểu đánh giá gì về cảnh báo này?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có xu hướng duy trì tốt. Tuy nhiên, chúng ta đang có khó khăn khi tỷ lệ tiêm phòng thấp. Đây cũng là yếu tố khiến khả năng mở cửa kinh tế thấp so với những nước có tỷ lệ cao. Trong khi tốc độ tăng trưởng của những nước tiêm phòng cao đang có xu hướng tăng nhanh như Mỹ dự báo tăng 6,4%, thậm chí Trung Quốc dự kiến tăng 18%. Nếu chúng ta không đẩy nhanh tiêm phòng vaccine để sớm mở cửa nền kinh tế thì sẽ rơi vào trạng thái đóng cửa, phòng dịch và lúc đó sẽ coi như lỡ nhịp.

Phóng viên: Cùng với các chính sách điều hành linh hoạt, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thông qua Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và các ngành cũng nhập cuộc như Ngân hàng Nhà nước với Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng dịch COVID-19… Đại biểu nhận xét gì về các “trợ lực” này?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Chúng ta có 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các điều kiện đưa ra theo Nghị quyết này rất ngặt nghèo, như vậy đối tượng hưởng thụ không được nhiều. Gói thứ hai theo Nghị quyết 68/NQ-CP đã cắt giảm điều kiện ràng buộc, quan trọng hơn là coi trọng các đối tượng đó theo thực tiễn.

Ngay khi triển khai gói cứu trợ thứ hai theo Nghị quyết 68/NQ-CP, tại nhiều địa phương, các đối tượng trong diện thụ hưởng chính sách đã được nhận các khoản hỗ trợ đó. Điều đó cho thấy, nghị quyết này đi vào thực thi và sát với cuộc sống nhanh hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo đến các ngân hàng tạm thời hoãn nợ, giảm lãi suất cho vay. Trong một tháng trở lại đây, các ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất. Đây là một trong những biện pháp tích cực được mong đợi nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và cả doanh nghiệp.

Cùng đó, thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm đã đạt khá cao. Đây chính là dư địa tốt để Chính phủ thực hiện các biện pháp tài khoá như giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.

Tuy nhiên, để tạo ra bứt phá mạnh mẽ sau đại địch thì mức hỗ trợ hiện nay giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, khi mất việc làm cần nâng thêm cấp độ. Thậm chí, cần gói cứu trợ cao hơn nữa, đặc biệt các gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp thay đổi cấu trúc sản xuất, chuỗi cung ứng.

Hiện nay, việc cung ứng đang đứng trước nguy cơ đứt gãy, các doanh nghiệp trong nước cũng cần thay đổi quy trình sản xuất, dây chuyền công nghệ mới có thể vượt qua đại dịch và tạo ra chuỗi cung ứng mới.

Phóng viên: Bên cạnh các "trợ lực" về chính sách, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp được Chính phủ tập trung thực hiện trong thời gian tới. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này ra sao?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Chúng ta thấy rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 6 tháng chỉ tăng 1,47%; trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào, xăng dầu tăng nhanh cho thấy, cầu kinh tế giảm nên CPI giảm. Có thể nói, CPI giảm đang gây lo ngại cho tăng trưởng.

Do đó, cần tăng cầu hỗ trợ cá nhân thông qua các gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mất việc làm; đồng thời, tăng cầu thông qua tăng tốc độ giải ngân đầu tư công.

Giải ngân đầu tư công sẽ tạo ra tăng cầu về phía Chính phủ, tăng nhu cầu việc làm, tạo ra hoạt động cho các khu vực cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các dự án đầu tư công, tạo nền tảng phát triển trong dài hạn. Giải pháp tăng tốc độ đầu tư công hiện rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu! 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục