Đại biểu Quốc hội đồng tình với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP

17:07' - 05/11/2018
BNEWS Bên cạnh sự đồng tình tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội, vẫn có ý kiến, quan điểm cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn những thách thức, rủi ro mang lại khi Việt Nam tham gia CPTPP.

Với những cơ hội nhiều mặt khi ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chính phủ kiến nghị Quốc hội phê chuẩn việc tham gia Hiệp định này. Bên cạnh sự đồng tình tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội, vẫn có không ít ý kiến, quan điểm cho rằng, Chính phủ cần tăng thêm liều lượng của việc nghiên cứu, cung cấp thông tin và đánh giá kỹ hơn những thách thức, rủi ro mang lại khi Việt Nam tham gia CPTPP.

Cụ thể, đầu tiên là tác động tới việc điều chỉnh, sửa đổi một số luật có liên quan trong toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành nhằm tạo sự tương thích. Cùng với đó là ảnh hưởng tới các hoạt động như xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Hiệp định CPTPP. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, việc ký kết và gia nhập CPTPP lần này sẽ là một quyết định chính trị quan trọng khẳng định 3 chủ động hội nhập quốc tế.

Đó là, nâng cao nội lực trong nước; nâng cao khả năng ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới và nâng cao vị thế quốc gia nhằm thúc đẩy đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do khác, mà trước mắt là tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Thái Bình nhấn mạnh, gia nhập CPTPP là cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ; cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại; trong đó, có nhiều đối tác chiến lược quan trọng. Đặc biệt, đây còn là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ hội có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, gia nhập CPTPP là cơ hội để đa phương hoá các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang.

"Tham gia CPTPP là thể hiện kỳ vọng nhiều hơn vào việc hoàn thiện thể chế. Các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực, đồng thời là áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh. Song song với những cơ hội ấy cũng chính là nhưng thách thức và áp lực không nhỏ, nếu ngay lúc này, chúng ta không có những thay đổi kịp thời", ông Lộc nhấn mạnh.

Bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, Chính phủ cần chủ động có đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả; phát huy hết các cơ hội khi gia nhập, tránh các rủi ro.

Đồng thời, cần tận dụng tối đa việc liên kết toàn diện về kinh tế, môi trường, đào tạo, giáo dục, sử dụng nguồn nhân lực đã được cam kết với các vấn đề văn hóa, các chính sách xã hội, đặc biệt bảo đảm quyền của công nhân, người lao động. Cơ bản nhất là giữ vững chủ quyền quốc gia, để không bị lệ thuộc.

Đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn Lào Cai cho rằng, Chính phủ cần xây dựng Chương trình hành động thực hiện lộ trình gia nhập. Để đảm bảo linh hoạt thì nên có cơ chế tập trung xử lý những vấn đề phát sinh khi có Hiệp định, kể cả những vấn đề tranh chấp. Do đó, cần nắm vững thị trường và dự báo những diễn biến có thể xảy ra, tránh thua thiệt.

Cùng với đó, cần coi trọng tuyên truyền đến toàn xã hội khi phê chuẩn Hiệp định, đặc biệt đến các doanh nghiệp về những cam kết mới khi CPTPP có hiệu lực. Tăng cường tuyên truyền đối ngoại và các cử tri cả nước để thấy được sự tin cậy của bạn bè thế giới, khẳng định sự tin cậy ấy chính là người ta đặt hàng, mời mình cùng tham gia các hiệp định. Qua đó, thấy rõ kết quả của công cuộc đổi mới, của cải cách hành chính quốc gia Việt Nam.

Để thích ứng với tình hình mới, đại biểu Nguyễn Chiến, Đoàn Hà Nội khuyến nghị, sau khi CPTPP được phê chuẩn và ký kết, để thực thi các cam kết của Hiệp định một cách hiệu quả, đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp mà kể cả các cơ quan quản lý phải nắm bắt các quy định cụ thể, những thể chế pháp luật trong nước và các thông lệ quốc tế liên quan tới quá trình áp dụng luật.

Lần này, các doanh nghiệp cần phải quan tâm tới hành lang pháp lý để tạo cơ hội cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, nâng cao các điều kiện tự thân và tăng cường nội lực để tham gia vào một sân chơi rộng lớn và nhiều áp lực như CPTPP.

Các vấn đề năng lực của người lao động, về chính sách bảo hộ, bản quyền... gắn với sự phát triển và hoạt động bền vững của doanh nghiệp cũng cần được lưu ý nhiều hơn.

Liên quan tới việc xây dựng đề án Chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định CPTPP có hiệu quả, đại biểu Vũ Tiến Lộc khuyến nghị, chương trình này cần được xây dựng để đáp ứng ba yêu cầu cơ bản gồm đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật cần thiết không chỉ để tuân thủ các cam kết trong Hiệp định mà còn để ứng phó với các thách thức và tận dụng được các cơ hội mở ra.

Theo đại biểu Lộc, phải dự kiến được các phương án cụ thể để không chỉ thực thi Hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan, vừa tuân thủ vừa phải biết chủ động vận dụng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia, dân tộc.

Mặt khác, cần hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn...

Dự kiến, tới ngày 12/11 tới, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục