Bên lề Quốc hội: Dự thảo Luật Kiến trúc chưa phản ánh được vướng mắc lớn

18:35' - 08/11/2018
BNEWS Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, dự thảo Luật Kiến trúc chưa được chuẩn bị chu đáo; nội dung đề cập còn sơ sài, chưa phản ánh được những vấn đề cơ bản và vướng mắc lớn của ngành.

Sau thời gian nghiên cứu, xây dựng và lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, ban, ngành và người dân, ngày 8/11, đại diện Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Kiến trúc.

Theo đó, 2 nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm là sự cần thiết của việc ban hành luật cùng các quy định, quy chế quản lý hành nghề kiến trúc sư.

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, dự thảo Luật Kiến trúc chưa được chuẩn bị chu đáo; nội dung đề cập còn sơ sài, chưa phản ánh được những vấn đề cơ bản và vướng mắc lớn của ngành.

Đại biểu quốc hội Phan Thị Mỹ Dung, đoàn Long An. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn Long An: Tờ trình của Chính phủ về Luật Kiến trúc đã nêu được sự cần thiết phải xây dựng và ban hành luật. Tuy nhiên, từng nội dung lại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra. Sự kết nối, liên hệ và đồng bộ với các luật có liên quan cũng chưa được phản ánh đầy đủ và rõ nét như: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quản lý đô thị hay Luật Quản lý di sản…

Liên quan tới vấn đề quản lý hành nghề kiến trúc sư, các quy định, quy chế hành nghề của kiến trúc sư dù được nêu rất cụ thể, nhưng theo tôi sẽ khó thực hiện. Bởi trên thực tế còn tồn tại sự chồng chéo về thẩm quyền; quy định cấp phép hay các thủ tục hành chính khác cũng chưa rõ ràng. Dường như điều này đi ngược với xu hướng chung của công cuộc đổi mới là đơn giản hóa và cắt giảm các thủ tục hành chính…

Bên cạnh đó, những quy định về quản lý hoạt động hành nghề kiến trúc sư cũng rất lỏng lẻo; các chế tài cũng chưa được nêu trong dự thảo luật. Vì thế, theo tôi dự thảo luật này cần phải được nghiên cứu, hoàn thiện thêm trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận và thông qua.

Một nội dung khác không kém phần quan trọng là quy định báo cáo đánh giá tác động kiến trúc như xây dựng các khu phố cổ. Vấn đề này chưa có gì thể hiện sự khác biệt giữa kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn, kiến trúc phố cổ….

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, đoàn Bến Tre. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Rất khó để đánh giá và bình luận về Luật Kiến trúc. Bởi đây là 1 luật chuyên ngành mang tính nghệ thuật cao. Ranh giới giữa cái đẹp với không đẹp; giữa cái đúng với cái sai; nghệ thuật thẩm mỹ theo quan điểm mỗi người mỗi khác nên công tác chuẩn bị cần sự chu đáo hơn. Tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo chỉ đưa ra 1 Tờ trình như thế này là rất sơ sài, kể cả về mục đích cần thiết phải ban hành luật. Do đó, rất khó cho đại biểu đóng góp ý kiến.

Dự thảo Luật Kiến trúc được Chính phủ trình Quốc Hội theo tôi cần làm rõ một số vấn đề như khái niệm kiến trúc là gì?; thời gian qua lĩnh vực nào cần phải quản lý và quản lý ở khâu nào thì mới xây dựng được các điều, khoản có liên quan; những lĩnh vực nào Nhà nước không cần quản lý thì mới đến các Hiệp hội?

Ở đây tôi thấy có sự lẫn lộn trong nội dung trình dự thảo khiến đại biểu có cảm giác đưa vai trò của tổ chức Hiệp hội vào luật nhiều quá. Kể cả những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của quản lý Nhà nước thì các Hiệp hội cũng làm. Cụ thể như công tác đào tạo; việc đưa ra quy chế hay ban hành những quy định liên quan đến chuyên ngành... Do đó, cần phải rà soát lại để nắm bắt những vấn đề cơ bản nhất là sản phẩm kiến trúc.

Tôi đề nghị cần có 1 chính sách Nhà nước về kiến trúc và phải có định hướng. Nếu mình đã biết nó cần thiết cũng như những bất cập, vướng mắc rồi mà không có những chính sách tháo gỡ, thúc đẩy thì cũng khó thực hiện và luật ban hành ra cũng khó đi vào cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Chiến, đoàn Hà Nội. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Về cơ bản, tôi rất đồng tình với cơ quan soạn thảo là vào thời điểm này rất cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc nhằm quản lý các hoạt động xây dựng, kiến trúc. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, vai trò của các kiến trúc sư trong nước và nước ngoài là rất lớn khi Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực tế không chỉ có các kiến trúc sư trong nước, ngay cả đội ngũ kiến trúc sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam cũng rất đông đảo. Trong khi đó, chúng ta chưa có 1 văn bản pháp luật quy chuẩn nào để quản lý lĩnh vực này. Kiến trúc sư là 1 nghề tự do, hoạt động độc lập nên cần có luật để quản lý Nhà nước. Đây cũng là hoạt động mang tính có thu nên cần thiết phải có luật để đồng bộ với các luật khác và Nhà nước cũng phải có nguồn thu thuế từ hoạt động này.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang chú trọng tới việc làm sao thiết kế 1 dự án để khi đưa ra đấu thầu sẽ trúng thầu.

Do đó, mỗi đồ án kiến trúc có giá trị về mặt nghệ thuật, kinh tế, có tính ứng dụng cao là rất quan trọng và cần phải có luật, hành lang pháp lý để hoạt động kiễn trúc được triển khai dễ dàng, thuận lợi, tránh tình trạng bị hạn chế bởi các luật khác như Luật Đấu thầu.

Vì lẽ ấy, khi xây dựng Luật Kiến trúc, các đơn vị soạn thảo cần tính toán làm sao để Luật Kiến trúc đảm bảo được tính đồng bộ với các luật khác; khắc phục những xung đột, hạn chế của luật khác liên quan tới hoạt động kiến trúc./.

>>> Lần đầu xây dựng công cụ pháp lý riêng cho lĩnh vực kiến trúc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục