Đại học Huế đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển khoa học công nghệ

07:54' - 28/12/2017
BNEWS Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã và đang giúp Đại học Huế nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến

Đồng thời, trường tranh thủ được nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư và phát triển khoa học công nghệ.
Trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Huế là điểm sáng trong hoạt động hợp tác quốc tế đối với lĩnh vực khoa học công nghệ. Năm 2007, Đại học Y Dược Huế phối hợp với Đại học Sassari của Ý thực hiện dự án “Xây dựng Trung tâm Carlo Urbani tại thành phố Huế” với kinh phí trên 1,1 triệu Euro.

Tháng 12/2017, dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động hiệu quả Khu thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3, Khu hồi sức cấp cứu cách ly. Đây là nơi chẩn đoán vi sinh vật, đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị, cấp cứu bệnh nhân nhiễm trùng hô hấp nặng và tăng cường giám sát dịch tễ các nhiễm trùng hô hấp ở miền Trung Việt Nam.

Dự án cũng hỗ trợ đào tạo hàng trăm nhân viên y tế tuyến tỉnh, huyện và xã thuộc 9 tỉnh miền Trung của Việt Nam về công tác phòng, chống dịch bệnh hô hấp cấp; đào tạo chuyên khoa ngắn hạn cho các cán bộ trẻ của trường tại các bệnh viện, trường đại học và viện nghiên cứu của Ý, Canada và Trung Quốc; hỗ trợ 19 cán bộ giảng dạy của Đại học Y Dược Huế tham gia chương trình đào tạo Tiến sỹ tại Ý trong lĩnh vực y sinh học.
Công tác hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ cũng được Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế chú trọng. Trường hợp tác với 40 trường đại học, viện và trung tâm nghiên cứu, tổ chức quốc tế của châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương với nhiều hình thức như: trao đổi chuyên gia, đào tạo giảng viên trẻ và sinh viên; hỗ trợ trang thiết bị, tài chính và sinh kế cộng đồng, thực hiện các dự án, đề tài khoa học và công nghệ; trao đổi học thuật, thông tin, tư liệu…

Nhờ đó trường đã tăng cường năng lực nghiên cứu và trao đổi khoa học của cán bộ nhà trường; cải thiện và nâng cấp một phần trang thiết bị phòng thí nghiệm; tạo cơ hội cho cán bộ tham gia dự án tiếp cận với các nền khoa học tiên tiến.

Tiêu biểu là các dự án: “Nghiên cứu xây dựng cứ liệu khoa học phục vụ trùng tu, phục hồi và tôn tạo cụm Di tích Văn Thánh Võ Thánh tại thành phố Huế, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin” thuộc chương trình hợp tác theo Nghị định thư giữa Ý và Việt Nam; “Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái ven biển dưới tác động của các hoạt động phát triển và biển đổi khi hậu ” thuộc chương trình hợp tác thể chế đại học giữa Đại học Huế và các trường đại học vùng Flanders của Bỉ"...
Hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các trường thành viên của Đại học Huế. Giai đoạn 2011 - 2017, Đại học Huế đã phát triển quan hệ hợp tác với trên 60 tổ chức giáo dục, khoa học của 30 quốc gia; ký kết 131 văn bản thỏa thuận và ghi nhớ; tiếp nhận và triển khai thực hiện trên 100 chương trình, dự án hợp tác đào tạo, nghiên cứu với nước ngoài trên nhiều lĩnh vực.

Nhiều chương trình, dự án hợp tác mang lại kết quả thiết thực, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tăng cường cơ sở vật chất. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Đại học Huế đã tạo ra hàng trăm công trình nghiên cứu, sản phẩm công nghệ ứng dụng công nghệ vật liệu mới, chế phẩm sinh học, công nghệ sinh học ứng dụng, hoạt chất thiên nhiên và nguyên liệu mới cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng..., góp phần đáp ứng nhu cầu phát triền kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cán bộ và đóng góp cho phát triển của đất nước.
Giám đốc Đại học Huế Nguyễn Quang Linh cho biết: Là một đại học vùng, Đại học Huế xác định hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, từng bước hội nhập vào nền giáo dục thế giới.

Việc tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ để đi đến tự chủ đại học, tự chủ tài chính. Thời gian đến, các trường đại học thành viên của Đại học Huế sẽ tăng cường phê duyệt các đề tài nghiên cứu theo chủ trương tự chủ đại học; đẩy mạnh hợp tác song phương, tạo động lực để phát triển với các đối tác truyền thống, đối tác chiến lược, đối tác tiềm năng.

Đồng thời, trường xây dựng các mạng lưới hợp tác theo lĩnh vực; có cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực nước ngoài và thu hút nguồn nhân lực Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm việc.

Đại học Huế xác định tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục