Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I: Kiến tạo kỷ nguyên mới, dẫn dắt hội nhập sâu rộng
Sáng 16/7, tại trụ sở Bộ Công Thương, Phiên chính thức của Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 – 2030 đã diễn ra với sự tham dự và chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong việc xây dựng Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ Công Thương và toàn ngành nói chung.
Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nêu 6 kết quả nổi bật của Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ qua; trong đó, nhấn mạnh thành tích đột phá trong tham mưu chính sách với nhiều luật, nghị định, thông tư được sửa đổi bổ sung và ban hành mới việc thực hiện quy hoạch và phát triển mạng lưới điện và năng lượng quốc gia đạt được nhiều thành tích, tiến bộ vượt bậc. Nổi bật là kỳ tích đường dây 500 kV mạch 3 được hoàn thành với nhiều kỷ lục về thời gian thi công, khối lượng công việc, huy động nguồn lực, giải quyết vướng mắc.
Hơn nữa, với vai trò điều tiết, dẫn dắt của Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trước những biến động của kinh tế thế giới do tác động của căng thẳng thuế quan, bảo hộ, Bộ Công Thương đã chủ động đi trước mở đường, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nghiên cứu, tạo đột phá khai mở thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, châu Phi, Nam Âu và thị trường Halal với việc đàm phán, ký kết thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, nâng tổng số đã ký kết và đang triển khai lên 17 FTA. Bên cạnh đó, ngành cũng chú trọng đổi mới xúc tiến thương mại theo hướng đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp, ngành hàng; nâng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam lần đầu vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới năm 2024. Đặc biệt, phòng vệ thương mại đã xử lý thành công hầu hết các vụ việc lớn, bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới. Hơn nữa, thị trường trong nước tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc ở mức 9% với điểm sáng là thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD năm 2024, giúp Việt Nam giữ vững vị trí trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới... Tại Đại hội, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị trong quản lý nhà nước của ngành, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng XIV (ngay sau khi được thông qua); phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, đạt và vượt chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, năng lực cạnh tranh thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì vị thế top 20 về xuất khẩu và top 30 về thị trường bán lẻ toàn cầu, đảm bảo cân đối cung-cầu hàng hóa, năng lượng.Mặt khác, phát triển hạ tầng năng lượng, thương mại, logistics hiện đại, tiệm cận nhóm đầu ASEAN; đồng thời, tập trung triển khai tốt 4 quy hoạch trọng điểm quốc gia của ngành trong giai đoạn tới gồm quy hoạch năng lượng, quy hoạch điện, quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu khí đốt quốc gia và quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản, với khoảng 50 nghìn dự án và tổng mức đầu tư lên tới hàng triệu tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần giữ vai trò tiên phong trong chủ động khai thác các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp nền tảng. Hơn nữa, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững thị trường năng lượng. Phát triển thương mại hiện đại, bền vững, gắn với xuất khẩu giá trị cao, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách của các nước lớn về thuế quan. Bảo vệ thị trường trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện tốt cam kết, thoả thuận thương mại quốc tế.
Tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh những kết quả đạt được của ngành ông thương trong giai đoạn 5 năm (2020-2025) đóng góp vào kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức, khó khăn.
Cụ thể, ngành đã tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực tự chủ. Quá trình tái cơ cấu đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Công nghiệp tiếp tục được mở rộng, giữ vai trò động lực tăng trưởng với chỉ số sản xuất bình quân tăng 6,3%/năm, công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu và tăng trưởng ổn định. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực, giảm dần khai khoáng, phát triển mạnh công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cơ cấu xuất nhập khẩu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hàng chế biến, chế tạo chiếm 85% vào năm 2025; nhiên liệu, khoáng sản giảm dưới 1%. Thị trường xuất khẩu mở rộng, giảm lệ thuộc vào thị trường châu Á, tăng giao thương với châu Mỹ, châu Âu; ưu tiên xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, xanh; nhập khẩu thiết bị hiện đại. Cùng đó, Việt Nam duy trì quan hệ thương mại với trên 230 quốc gia, thực hiện 17 FTA; xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng khá, năng lực hội nhập được nâng cao.
Thị trường trong nước hiện đại hóa mạnh mẽ; thương mại hiện đại chiếm 30% bán lẻ; thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng đạt mức 18-25%/năm, dự kiến đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Tăng cường tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng phục vụ và bảo vệ người tiêu dùng.
Đặc biệt, quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được triển khai quyết liệt, hiệu quả; giai đoạn 2021-2025, kiểm tra gần 290.000 vụ, xử lý gần 200.000 vụ vi phạm. Công tác hoàn thiện thể chế, nhất là trong quản lý kinh doanh xăng dầu, được đẩy mạnh, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo đảm nguồn cung phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, trình ban hành trên 250 văn bản pháp luật (gồm 05 luật, 51 nghị định) và hơn 20 chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu. Việc cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được Bộ Công Thương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện đồng bộ và hiệu quả…
Với chủ đề "Đổi mới tổ chức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy vai trò nòng cốt, trụ cột của ngành công thương trong phát triển kinh tế đất nước; vững bước tiến vào kỷ nguyên mới", Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025-2030 phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển của ngành công thương giai đoạn đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn này.
Trong số đó, tỷ trọng công nghiệp đạt khoảng 35% GDP, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 13,5-14,5%/năm; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước 10-12%/năm. Cùng đó, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu đạt 13,0 - 13,5%/năm; đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng ngân sách quốc nội (GDP) bình quân khoảng 10,0%/năm...
“Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Ngành. Vì vậy, với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển” và tinh thần trách nhiệm cao trước toàn Đảng bộ và đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành, Đoàn Chủ tịch Đại hội đề nghị các đại biểu Đại hội tập trung trí tuệ, tâm huyết để thảo luận, đánh giá đúng những kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân”, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ rõ.
Tại Đại hội, các đại biểu đã nghe công bố quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 – 2030 gồm 29 đồng chí; Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ nhiệm kỳ 2025 – 2030; đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương được chỉ định giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ nhiệm kỳ 2025 – 2030. Đồng chí Phan Văn Bản, Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Cùng đó, đại hội cũng nghe công bố quyết định chỉ định nhân sự tham gia Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy nhiệm kỳ 2025 – 2030 gồm 5 đồng chí do đồng chí Phan Văn Bản, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy làm Chủ nhiệm; chỉ định đoàn đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 gồm 9 đồng chí. Đáng lưu ý, nhiệm kỳ 2025 – 2030, Đảng bộ Bộ Công Thương phấn đấu tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt tiêu biểu, có năng lực đáp ứng tình hình mới.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I khai mạc ngày 15/7
18:42' - 11/07/2025
Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 dự kiến diễn ra từ ngày 15-16/7/2025 tại trụ sở Bộ Công Thương - 54 Hai Bà Trưng - Hà Nội.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Chi trả giảm phát thải khí nhà kính tại Huế giúp giữ rừng, cải thiện sinh kế
21:16'
Sau 3 năm triển khai thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA), thành phố Huế có hơn 205,5 nghìn ha rừng tự nhiên được đưa vào cơ chế ERPA, với tổng số tiền gần 136 tỷ đồng.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần Thơ thúc đẩy Dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 2
21:07'
Ngày 16/7, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã làm việc với Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ về thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 2.
-
Kinh tế Việt Nam
Dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan còn nhiều vướng mắc trước thời hạn thông xe
20:45'
Cao tốc Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thành phố Đà Nẵng dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật trước ngày 19/8, tuy nhiên đến nay dự án vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 24/7/2025
20:44'
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng, hoàn thành trước ngày 27 tháng 7 năm 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp đầu tư phát triển đô thị thông minh
19:43'
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh các doanh nghiệp quan tâm và có kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội: Đổi xe để sống xanh, cần đồng hành cùng người nghèo
19:26'
Cần có sự đồng hành của nhà nước trong việc hỗ trợ người dân, nhất là những người nghèo trong việc chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện.
-
Kinh tế Việt Nam
Đưa Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức vào hoạt động đúng kế hoạch
19:15'
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dẫn đầu Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế hiện trạng cũng như tiến độ xây dựng Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Ninh Bình.
-
Kinh tế Việt Nam
Sáng kiến OCOP lan tỏa 'Bốn tốt hơn'
19:02'
Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP được tổ chức bởi Bộ Nông nghiệp và Môi trường và FAO trong hai ngày 15 - 16/7, hướng đến mục tiêu "Bốn tốt hơn".
-
Kinh tế Việt Nam
AirAsia khai trương đường bay thẳng Hải Phòng-Bangkok
18:58'
Ngày 16/7, tại Hải Phòng, AirAsia khai trương đường bay thẳng mới nhất từ Hải Phòng, Việt Nam tới Bangkok (Don Mueang), Thái Lan.