Đắk Lắk điều chuyển vốn sang những công trình, dự án có khả năng giải ngân tốt

14:50' - 21/10/2022
BNEWS Để phát huy những tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, Đắc Lắk cần có một hệ thống các giải pháp toàn diện; cụ thể, phối hợp tốt 4 nhà “nhà nước, Nhà nông, nhà khoa học; nhà sản xuất”.

Là địa phương nằm trong nhóm danh sách có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của cả nước. Để thúc đẩy tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này, những tháng còn lại của năm, Đắk Lắk quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện từng công trình, dự án; đồng thời, cương quyết điều chuyển vốn sang những công trình, dự án có nhu cầu, có khả năng giải ngân tốt; phấn đấu giải ngân đạt mức cao nhất theo kế hoạch đề ra.

Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế của Đắc Lắk, cũng như những lợi thế, tiềm năng để phát triển nông nghiệp, phát triển cây sầu riêng; giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm… Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tân Xuân, Cục trưởng Cục Thống kê Đắk Lắk xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Trong bức tranh kinh tế-xã hội 9 tháng 2022 của Đắk Lắk, xin ông cho biết, đâu là những điểm sáng của tỉnh?

Cục trưởng Đỗ Tân Xuân: Kinh tế- xã hội tỉnh Đắc Lắk 9 tháng năm 2022 có những chuyển biến tích cực ở hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể: Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP - giá so sánh 2010) ước đạt 37.084,3 tỷ đồng, bằng 65,87% kế hoạch, tăng 10,28% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 10.394.4 tỷ đồng, bằng 50,85% kế hoạch, tăng 5,13%, đóng góp 1,51 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 6.947 tỷ đồng, bằng 76,54% kế hoạch, tăng 17,42%; riêng công nghiệp ước đạt 4.671 tỷ đồng, bằng 82,85% kế hoạch, tăng 27,59%, đóng góp 3,06 điểm;

Khu vực dịch vụ ước đạt 18.013 tỷ đồng, bằng 74,44% kế hoạch, tăng 10,89%, đóng góp 5,26 điểm. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 1.729,8 tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch, tăng 9,35% so với cùng kỳ, đóng góp 0,44 điểm phần trăm.

Điểm sáng của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022 là ngành điện, tăng 41,3%, đóng góp 2,66 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế trên địa bàn, là do một số dự án điện gió, điện mặt trời đi vào hoạt động và tăng công suất. Cụ thể: Sản lượng điện sản xuất đạt 5.454 triệu kWh, tăng 46,96% do nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp, nhà máy điện gió Ea nam – Ea’Hleo tiếp tục duy trì được công suất hoạt động và hoạt động theo sự điều tiết của tập đoàn điện lực Việt Nam EVN.

Phóng viên: Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, trong định hướng phát triển kinh tề-xã hội hàng năm, Cục Thống kê Đắk Lắk có đề xuất gì để giúp tỉnh phát triển những tiềm năng này?

Cục trưởng Đỗ Tân Xuân: Đắk Lắk nằm ở Trung tâm vùng Tây Nguyên, là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của quốc gia như cà phê, cao su, tiêu, ca cao. Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước, với hơn 13.000 km2, có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp.

Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, màu mỡ, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản khá lớn và điều kiện khí hậu phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của đa số các loại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là cây công nghiệp như: cà phê, cao su, tiêu, ca cao; cây ăn quả có giá trị như: sầu riêng, bơ, cây có múi, cây rừng, dược liệu…

Với góc độ tham mưu của ngành thống kê tỉnh Đắk Lắk để phát huy toàn diện những tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng chất lượng cao, bền vững cần có một hệ thống các giải pháp toàn diện như: ổn định tái canh cây cà phê, hướng tới sản phẩm cà phê chất lượng cao, an toàn và bền vững; phối hợp tốt bốn nhà “Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học; nhà sản xuất”; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, có chính sách ưu đãi, đặc thù với các nhà đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn và quy hoạch tập trung khu vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.

Phóng viên: Phát triển cây sầu riêng đang là lợi thế của Đắc Lắk. Vậy, ông có thể cho biết, tỉnh đã xây dựng những cơ chế, chính sách ưu đãi nào để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước phát triển cây hàng hóa này?

Cục trưởng Đỗ Tân Xuân: Với diện tích cây sầu riêng toàn tỉnh hiện có là 15.250 ha, sản lượng sầu riêng thu hoạch ước khoảng hơn 100 ngàn tấn mỗi năm, trước mắt, tỉnh đang hình thành những cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước phát triển cây hàng hóa này như: liên kết nông dân để tạo dựng hàng hóa, nông sản bề vững; tạo điều kiện cho nông dân có đầy đủ đối tượng sản xuất và tư liệu sản xuất.

Cùng với đó, tỉnh yêu cầu phải đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm; thị trường đầu ra phải đa dạng (không phụ thuộc vào một thị trường); nghiên cứu và phát triển giống cây sầu riêng mới, thơm ngon, có năng suất cao... đồng thời, hỗ trợ người trồng sầu riêng xây dựng và quản lý vùng sản xuất; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại; nâng tầm thương hiệu và đưa sản phẩm sầu riêng đến gần hơn người tiêu dùng.

Phóng viên: Đầu tư công là một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, Đắk Lắk là địa phương nằm trong danh sách có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của cả nước. Vậy, theo ông, đâu là nguyên nhân của việc chậm trễ này và đề xuất giải pháp để thúc đẩy tỷ lệ giải ngân?

Cục trưởng Đỗ Tân Xuân: Năm 2022, tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các dự án trong kế hoạch năm là 3.566,6 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2022, tỉnh đã giải ngân được 977,36 tỷ đồng, mới đạt 30,8% kế hoạch.

Như chúng ta đã biết mối quan hệ giữa đầu tư công với tăng trưởng kinh tế là mối quan hệ hữu cơ bởi lẽ, cứ một phần trăm tăng trưởng của đầu tư công sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế là 0,06%. Tuy nhiên, Đắk Lắk là địa phương nằm trong danh sách có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của cả nước.

Nguyên nhân đối với vốn ngân sách trung ương, các công trình mở mới của kế hoạch trung hạn 2021-2025 chủ yếu tập trung trong năm 2022, tổng vốn chiếm 83% kế hoạch năm; hầu hết là các dự án nhóm B, yêu cầu phải đấu thầu 2 bước, do vậy, cũng khó khăn cho các chủ đầu tư và thông thường khối lượng giải ngân sẽ chủ yếu tập trung vào quý IV/2022.

Còn đối với nguồn vốn ngân sách địa phương: chủ yếu đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, nhưng việc thu tiền sử dụng đất còn chậm nên thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án.

Ngoài ra, còn do các nguyên nhân như: biến động giá vật liệu xây dựng 6 tháng đầu năm; vấn đề thiếu mỏ đất để khai thác thực hiện công trình; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư chưa thật sự chủ động trong triển khai thực hiện…

Để thúc đẩy tỷ lệ giải ngân, những tháng còn lại của năm, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện từng công trình, dự án. Cùng với đó, tỉnh cương quyết điều chuyển vốn sang công trình, dự án có nhu cầu, có khả năng giải ngân tốt; đồng thời, tập trung thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất, đảm bảo nguồn vốn thực hiện các dự án. Phấn đấu giải ngân đạt mức cao nhất theo kế hoạch đề ra.

Phóng viên: Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, xin ông cho biết những giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới?

Cục trưởng Đỗ Tân Xuân: Theo tôi, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, tỉnh cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân hết số vốn theo kế hoạch cả năm; kịp thời tham mưu điều chuyển vốn từ các chương trình, dự án chậm giải ngân sang công trình, dự án có khối lượng và nhu cầu về vốn để tăng tỷ lệ giải ngân. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đấu thầu, đẩy mạnh triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư; giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật về thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan đôn đốc, theo dõi tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thủ tục đầu tư, thực hiện dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư của tirnh cần rà soát, tham mưu UBND tỉnh danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2022-2025. Tập trung tham mưu cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, chủ động rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; phối hợp thành lập và đưa Trung tâm đổi mới sáng tạo tỉnh đi vào hoạt động hiệu quả

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách khác của Trung ương về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp trong tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm của địa phương, mở rộng tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu; tăng cường kế hoạch đưa hàng việt về nông thôn đảm bảo đời sống cho người dân vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, tỉnh cần tăng cường kết nối với các tỉnh thực hiện kết nối giao thương để các cơ sở doanh nghiệp có điều kiện kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Theo dõi, có dự đoán tình hình biến động về giá cả vật tư để các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho những tháng cuối năm…/.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục