Đắk Lắk thiệt hại hơn 1.000 ha cây trồng do hạn

11:19' - 19/08/2019
BNEWS Đắk Lắk đang trong mùa mưa, nhiều huyện như Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana vừa qua đợt mưa lũ thiệt hại nặng nề, nhưng huyện M’Đrắk lại hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Nhiều diện tích lúa tại xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk bị chết khô do hạn hán kéo dài. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Từ tháng 5/2019 đến nay, vùng đất M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa “đón nhận” cơn mưa nào đáng kể, đồng ruộng nứt nẻ khô khốc, nhiều diện tích lúa đã chết khô, cháy vàng không thể cứu, nhiều diện tích cây trồng đang đối mặt với khô hạn và có nguy cơ mất trắng.
Vụ Hè Thu năm nay, gia đình chị Phan Thị Thành, thôn 18, xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk trồng hơn 3 sào lúa nước. Sau khi gieo xạ một thời gian, thời tiết trở nên nắng nóng, nguồn nước phục vụ sản xuất khan hiếm, mặc dù đã cố gắng hết sức để tìm kiếm nguồn nước cứu lúa, nhưng đến tháng 7/2019 cánh đồng lúa của chị Thành đã chết khô vì thiếu nước.
“Các năm trước đây, dù có hán hạn, nhưng gia đình tôi còn tìm được nguồn nước để phục vụ cho cây lúa đến khi thu hoạch, 3 sào lúa thu hoạch được khoảng 2,5 tấn. Năm nay, hạn hán quá khắc nghiệt, đã 5 tháng nay không có trận mưa nào đáng kể, các hồ, đập chứa nước cũng dần cạn kiệt, gia đình đành bất lực nhìn lúa chết khô hàng ngày mà không thể cứu được, công chăm sóc, đầu tư coi như mất trắng” chị Thành nói.
Dưới cái nắng hạn gay gắt, ông Phạm Văn Hóa, thị trấn M’Đrắk, huyện M’Đrắk đang cố gắng dùng máy bơm để hút những vũng nước còn lại trên hồ thủy lợi Ea Kpal nhằm cứu hơn 1 ha lúa nước đang trong giai đoạn làm đòng.

Nhiều diện tích lúa tại xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk bị chết khô do hạn hán kéo dài. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Theo ông Phạm Văn Hóa, hồ thủy lợi Ea Kpal với dung tích hơn 410.000 m3 đã cạn tới đáy nên cống không còn khả năng tự chảy nước vào đồng ruộng, người dân phải huy động máy bơm của gia đình hút từ những vũng nước còn lại trong hồ để bơm trược tiếp vào đồng ruộng. Dù rất tốn công sức và chi phí nhưng không còn cách nào khác, chỉ mong cứu được một phần diện tích lúa.
“Hồ thủy lợi Ea Kpal cung cấp nước sản xuất cho 80 ha lúa nước của xã Krông Jing và thị trấn M’Đrắk hiện sắp cạn hết nước, hơn 80 ha lúa của người dân trong giai đoạn làm đòng đang đứng trước nguy cơ chết khô nếu không có nước. Trong 10 ngày tới không có mưa thì cánh đồng lúa 80 ha coi như mất trắng vì không có nước tưới tiêu” ông Hóa lo lắng.
Theo thống kê của huyện M’Đrắk, hiện có gần 500 ha lúa nước chết khô, mất trắng, còn lại trên 500 ha lúa bị thiếu nước trầm trọng đang được bơm chống hạn, một số diện tích cây ngô, mỳ, đậu cũng bị hạn hán nặng nề.
Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mđrắk, biến đổi khí hậu đã làm thời tiết diễn biến thất thường. Những năm gần đây hạn hán xảy ra liên tục, riêng năm nay hạn hán diễn ra khắc nghiệt hơn, gây thiệt hại đến nhiều diện tích cây trồng của người dân.
Ngoài ra, các công trình hồ, đập trên địa bàn huyện M’Đrắk xây dựng đã lâu nên bị xuống cấp, bị bồi lắng nên hạn chế tích trữ nước, một số công trình bị hư hỏng hoàn toàn không còn khả năng tích trữ nước. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán.
Trước tình trạng hạn hán kéo dài và khả năng còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, chính quyền huyện M’Đrắk đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân về nguy cơ hạn hán để chủ động phòng chống.
Đối với các diện tích lúa đang bị hạn hán, địa phương tập trung nguồn lực để chống hạn, thực hiện điều tiết nước hợp lý giữa các công trình để tưới tiêu; huy động máy bơm, tận dụng nguồn nước từ các ao, hồ, sông, suối còn nước để chống hạn cho cây trồng, tập trung chống hạn cho những diện tích còn có khả năng cứu được, trách dàn trải làm giảm hiệu quả.
Đối với diện tích lúa đã bị mất trắng do hạn hán, chính quyền cấp xã hướng dẫn người dân phá bỏ lúa để kịp trồng các loại cây rau màu như đậu đỗ, khoai lang… bù đắp sản lượng lương thực thiếu hụt, ổn định đời sống nhân dân.
Về lâu dài, huyện M’Đrắk kiến nghị tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ giống cây trồng để nhân dân kịp thời tái sản xuất cho vụ Đông Xuân 2019 – 2020; xem xét đầu tư thêm cơ sở hạ tầng các công trình thủy lợi, chủ trương thực hiện xã hội hóa nạo vét lòng hồ các công trình thủy lợi bị bồi lắng để tăng khả năng tích trữ nước phục vụ sản xuất cho các vụ mùa tiếp theo./.
Xem thêm:

>>Đắk Lắk tập trung mọi nguồn lực, xử lý sự cố vỡ đê bao Quảng Điền

>>Nạo vét thi công thủy điện, cả trăm ha lúa thiếu nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục