Đắk Lắk thu hồi nhiều dự án nông, lâm nghiệp sử dụng đất sai mục đích

11:07' - 07/07/2018
BNEWS Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi hàng loạt dự án nông, lâm nghiệp với hàng nghìn hécta của 9 doanh nghiệP.

Tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, giao rừng khoanh nuôi bảo vệ và thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp. Qua đó, tỉnh đã xử lý thu hồi đất nhiều dự án của các doanh nghiệp vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai.

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi hàng loạt dự án nông, lâm nghiệp với hàng nghìn hécta của 9 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Anh Quốc, Hoàng Nguyễn, Tiến Phú, Xí nghiệp Chế biến gỗ Tây Nguyên, Công ty Cổ phần cao su Phú Riềng Kratie, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành, Công ty Cổ phần Địa ốc Thái Bình Phát, Công ty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu lương thực Bình Dương, Công ty cổ phần sản xuất, kinh doanh dệt may Việt Nam do đã sử dụng đất sai mục đích.

Các doanh nghiệp trên được tỉnh giao đất, cho thuê đất để trồng cao su, khoanh nuôi bảo vệ phát triển vốn rừng nhưng đã tự chuyển đổi mục đích sang trồng cây khác hoặc vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.

Chẳng hạn như, Công ty TNHH Anh Quốc được cho thuê đất, giao đất để trồng cao su, quản lý bảo vệ rừng nhưng không những xây dựng trái phép 5 lò đốt than tại khu vực trồng cao su tại tiểu khu 239 ở xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) mà còn có biểu hiện thiếu năng lực để tiếp tục thực hiện dự án. Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Lộc Phát đã tự ý chuyển 48 ha đất trồng rừng trong dự án trồng rừng sang trồng cà phê tại tiểu khu 106 xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo)…

Thậm chí, một số doanh nghiệp còn có dấu hiệu mua, bán, sang nhượng các dự án được tỉnh giao đất, cho thuê đất để sản xuất nông, lâm nghiệp, khoanh nuôi bảo vệ rừng nên thu hồi xử lý theo đúng quy định của Pháp luật.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 64 dự án được phép triển khai thực hiện phát triển nông, lâm nghiệp với tổng diện trên 55.300 ha; trong đó, có 33 dự án trồng rừng, cải tạo, quản lý bảo vệ rừng, dự án nông , lâm nghiệp khác, 28 dự án trồng cao su, 3 dự án chăn nuôi bò. Đến nay, các doanh nghiệp đã trồng được gần 9.836 ha rừng kinh tế, cây ăn quả dài ngày, trên 7.388 ha cao su, chăn nuôi 1.755 con bò và trồng được gần 360 ha cỏ chăn nuôi bò, với tổng vốn đầu tư hơn 1.937 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp cũng đã thu hút được trên 3.680 lao động là đồng bào các dân tộc tại địa phương vào làm việc ổn định tại các dự án. Các doanh nghiệp cũng đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các vùng dự án như hệ thống đường giao thông, điện lưới quốc gia, giếng nước sinh hoạt, trường học…Điều này góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trong các vùng dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục