Đắk Nông chậm sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp

19:19' - 09/04/2018
BNEWS Ngày 9/4, Bộ Nông nghiệp làm việc với tỉnh Đắk Nông về việc thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Theo ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, tỉnh có 16 công ty, trong đó có 2 công ty nông nghiệp và 14 công ty lâm nghiệp. Thực hiện việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định; định hướng được các vấn đề cần quan tâm giải quyết. 

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra. Các khó khăn, vướng mắc chủ yếu về tài chính, đất đai, nhất là trong giải thể và cổ phần hóa. 

Thực hiện sắp xếp, đổi mới, 6 doanh nghiệp sẽ duy trì, đổi mới các công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước. Đến nay, các đơn vị đã phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới và kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, mới chỉ có 3/6 đơn vị được phê duyệt phương án sử dụng đất. 

Về cổ phần hóa, tỉnh có 3 doanh nghiệp. Theo kế hoạch, các công ty phải thực hiện hoàn tất cổ phần hóa, chuyển thành công ty cổ phần trong năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên các đơn vị đều tiến hành chậm hơn so với kế hoạch. 

Dự kiến, năm 2018 sẽ hoàn thành cổ phần hóa tại Công ty cà phê Đức Lập, Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An và Công ty TNHH MTV Nam Nung.

Cuối năm 2017, UBND tỉnh đã có văn bản 6297/UBND-KTKH điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp này phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018. 

Tỉnh có 6 đơn vị phải giải thể và đã được phê duyệt phương án giải thể. Theo kế hoạch, việc giải thể các đơn vị này phải cơ bản hoàn thành trong năm 2017. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên đến hết năm 2017, chưa hoàn tất việc giải thể. 

Một trong những nguyên nhân là do chặt rừng, lấn chiếm đất đai trái phép diễn ra phức tạp; phối hợp của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong quản lý và bảo vệ rừng chưa cao; thủ tục thu hồi diện tích rừng và đất lâm nghiệp ngoài đề án của công ty sau phê duyệt để bàn giao cho địa phương, tổ chức, cá nhân rất chậm. 

Trong quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong xử lý tài chính liên quan đến công nợ, các khoản nợ lương và bảo hiểm của người lao động. 

Trước tình hình trên, tỉnh Đắk Nông đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan làm cơ sở để địa phương thực hiện; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho các công ty lâm nghiệp hiện nay để thực hiện nhiệm vụ công ích theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch hàng năm. 

Tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn các công ty lâm nghiệp được trồng rừng theo phương thức lâm nông kết hợp (sản xuất nông nghiệp nhưng đảm bảo độ che phủ rừng. 

Hiện các công ty lâm nghiệp hoạt động chủ yếu là quản lý, bảo vệ và phát rừng với nguồn kinh phí hàng năm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ công ích. 

Do vậy, hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV chưa phù hợp. Bởi vậy, tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét chuyển đổi mô hình các công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh Đắk Nông thành Ban quản lý rừng. 

Cụ thể là thành lập 2 Ban quản lý rừng đặc dụng tại Đắk Wil và Nam Đắk Nông; đồng thời, tỉnh xin chuyển đổi các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp như Đức Hòa, Đắk N’tao và Quảng Sơn thành Ban quản lý rừng sản xuất để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hiện nay của đơn vị, hoặc chuyển đổi thành Công ty TNHH hai thành viên. 

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhận xét, những tồn tại, khó khăn của tỉnh là do tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa các công ty nông lâm nghiệp với người dân. Bởi vậy, kết quả tổng thể của tỉnh chậm hơn so với các địa phương khác. 

Việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp là trọng tâm. Nếu không sắp xếp, ổn định được diện tích các công ty nông lâm nghiệp thì rất khó ổn định, phát triển kinh tế.

Tỉnh Đắk Nông cần rà soát, đánh giá cụ thể, bài bản từng đơn vị để có hướng chỉ đạo và trong tháng 4 - 5 này phải triển khai ngay, quyết liệt và cụ thể. 

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn: "Những chỗ có thể đẩy nhanh được thì phải quyết tâm làm nhanh. Nếu cứ nói chung chung, không có giải pháp quyết liệt sẽ không thể giải quyết được vấn đề.

Với các đơn vị sẽ giải thể, mặc dù còn vướng mắc nhưng cũng phải có phương án cụ thể, nếu không sẽ tiếp tục dậm chân tại chỗ"./. 

Xem thêm:

>>>Kỷ luật khiển trách Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông

>>>Các địa phương phải xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục