Đắk Nông và Lâm Đồng mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở

16:12' - 21/05/2025
BNEWS Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 15 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút ngày 21/5, khu vực các tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến như từ 30 - 60mm, có nơi trên 80mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Đắk R'Lấp, Đắk Glong, thành phố Gia Nghĩa, Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông); Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Đam Rông, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà, thành phố Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

 

Để phòng chống lũ quét, sạt lở đất cần phải sử dụng các giải pháp về công trình và phi công trình.

Đối với các biện pháp công trình, cần thực hiện trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.

Xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét, khai thông các đường thoát lũ, xây dựng đê, tường chắn lũ quét, phân dòng lũ, xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước.

Do đặc điểm các sông của miền Trung ngắn và dốc, để tránh tình trạng làm cản dòng lũ gây ra ngập lụt, lũ quét và ách tắc giao thông cần phải tính toán quy hoạch tiêu lũ của các hệ thống cầu cống trên các hệ thống đường sắt và đường bộ.

Đối với các biện pháp phi công trình, cần lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét.

Quy hoạch sử dụng đất hạn chế phát triển trong vùng nguy cơ lũ quét cao. Đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây, cần có quy hoạch lại và tái định cư, đưa đân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.

Cùng với đó là điều chỉnh điều kiện mặt đệm lưu vực và các khu trữ lũ như thực hiện biện pháp "nông, lâm kết hợp" để chống xói mòn, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, phát huy hiệu quả sử dụng đất...

Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, cần có các phương án cụ thể để phòng tránh như: Xây bản đồ nguy cơ ngập lụt khu chịu lũ, các phương án sơ tán, các tuyến đường sơ tán và vị trí tập kết; chọn các khu vực, vị trí cao không bị ảnh hưởng của lũ quét, xây dựng một số nhà kiên cố để tập kết các tài sản, lương thực và con người khi có lũ quét; có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em; thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của dân trong thời gian có lũ quét.

Từ 12 giờ đến 14 giờ ngày 21/5, khu vực các tỉnh trên đã có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to như: Tân Thượng - Di Linh 54,6mm (Lâm Đồng), Lộc Châu (Lâm Đồng) 50,2mm; Nhân Cơ (Đắk Nông) 52,2mm,...

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Nguồn: https://baotintuc.vn/xa-hoi/dak-nong-va-lam-dong-mua-lon-nguy-co-lu-quet-sat-lo-20250521152841100.htm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục