Đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi lao động - việc làm: Triển vọng năm 2021

10:56' - 26/01/2021
BNEWS Năm 2020 đã đi qua với nhiều khó khăn ngoài dự báo. Đất nước bước vào năm 2021, cũng là thời điểm diễn ra Đại hội XIII của Đảng, với niềm tin và hy vọng có nhiều khởi sắc.

Làm thế nào để nắm bắt thời cơ, vận hội mới, đón đầu thành công, tiếp tục phát triển? Nhân dịp này, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đã có bài viết riêng cho TTXVN, với nhan đề: “ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI, PHỤC HỒI LAO ĐỘNG -VIỆC LÀM, BÀI HỌC NĂM 2020, TRIỂN VỌNG NĂM 2021”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

“Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực lao động - việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự điều hành chủ động, tích cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nước ta đã vượt qua các khó khăn, duy trì mức độ phát triển kinh tế hợp lý, trong bối cảnh vừa tập trung quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tiếp tục mở ra những cơ hội mới cho phát triển bền vững trong năm 2021 và các năm tiếp theo….

* Năm 2020 nhiều khó khăn ngoài dự báo

Việt Nam bước vào năm 2020 với đà tăng trưởng mạnh mẽ trên nền tảng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của các năm 2016, 2017, 2018 và 2019.

Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam năm 2020 đã phát triển theo một chiều hướng nằm ngoài nhận định của tất cả các chuyên gia, chính khách, nhà lãnh đạo trong nước và quốc tế.

Từ khi bùng phát vào tháng 2/2020 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đến nay, đại dịch COVID-19 đã lan rộng ra toàn thế giới, với hơn 87,5 triệu người nhiễm, gần 1,9 triệu người thiệt mạng (số liệu cập nhật đến ngày 07/01/2021) và hiện vẫn diễn biến rất phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… vốn là những đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kéo theo đó, sự bất ổn trong phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các nước.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới[1], kinh tế nhiều nước Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, trong những tháng đầu năm đều tăng trưởng âm, và với dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức âm 5% cho cả năm 2020.

Kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID, thị trường lao động - việc làm cũng gặp rất nhiều biến động bất lợi. Tại Việt Nam, tính đến tháng 9/2020, đã có 31,8 triệu lao động bị mất việc làm, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Chỉ riêng quý II/2020 (quý bị ảnh hưởng nặng nề nhất): Lực lượng lao động giảm 2,4 triệu người, lao động có việc làm giảm 2,6 triệu người (mức giảm lớn nhất trong 10 năm qua), tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị là 4,46% (cao nhất trong 10 năm qua)[2].

Đứng trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 thành công và được thế giới ghi nhận các biện pháp khẩn cấp khống chế sự lây lan của dịch bệnh như kiểm soát dòng người xuất/nhập cảnh qua biên giới, giãn cách xã hội, khai báo y tế, v.v.. nhiều chính sách kinh tế nhằm mục tiêu chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, người lao động đã nhanh chóng được triển khai.

Trong đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã nhanh nhạy tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/2020/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với khoản kinh phí lên tới 62 nghìn tỷ đồng. Đây là quyết sách chưa có tiền lệ của Chính phủ, Nhà nước Việt Nam trước những tác động của đại dịch COVID-19, qua đó đã kịp thời củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ, góp phần ổn định đời sống nhân dân và người lao động, ổn định kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Tính đến ngày 25/12/2020, đã thực hiện giải ngân 12.823,32 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 12.917.660 người và 30.569 hộ kinh doanh, trong đó: Đối tượng người có công với cách mạng là 1.031.604 người, kinh phí 1.528,077 tỷ đồng; đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng là 2.885.778 người, kinh phí 4.289,81 tỷ đồng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo 7.953.036 người, kinh phí 5.946,854 tỷ đồng; nhóm người lao động đã được hỗ trợ là 1.049.242 người với kinh phí là 1.027,807 tỷ đồng; hỗ trợ 30.569 hộ kinh doanh với kinh phí 30,773 tỷ đồng.

Theo thống kê của các Trung tâm Dịch vụ việc làm 63 tỉnh, thành phố, từ đầu năm 2020 đến 20/12/2020, cả nước có 1.096.987 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32,3% so với cùng kỳ tháng 12/2019. Đến nay, 1,06 triệu người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền trợ cấp là 18.200 tỷ đồng (mức hưởng bình quân là trên 3 triệu đồng/người/tháng).

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có 755 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 97.626 người lao động, với tổng kinh phí trên 471,88 tỷ đồng.

Kết quả của những nỗ lực nêu trên đã được ghi nhận thông qua các số liệu báo cáo cuối năm 2020. Nền kinh tế không bị ảnh hưởng nặng như nhiều nước trên thế giới và có xu hướng phục hồi mạnh vào cuối năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam kết thúc năm 2020, đạt gần 3% (2,91%, trong đó GDP quý I tăng 3,68%, quý II tăng 0,39%, quý III tăng 2,69%, quý IV tăng 4,48%), là một trong không nhiều quốc gia tăng trưởng dương trên thế giới.

Trong bối cảnh dịch COVID diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, các nước trên thế giới và khu vực phần lớn đều tăng trưởng âm, thì đây là thành công lớn của Việt Nam. Tình hình lao động, việc làm cũng được cải thiện đáng kể theo thời gian, số lượng lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh trong những tháng cuối năm, gần quay trở lại mức bình quân của những năm trước đó.

* Niềm tin năm 2021 sẽ có nhiều khởi sắc

Những thành công ban đầu trong thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nêu trên, là nền tảng quan trọng cho niềm tin vào những thành công hơn nữa trong tăng trưởng kinh tế nói chung và phát triển thị trường lao động nói riêng. Tuy nhiên, để có những kế hoạch và hành động phù hợp trong năm 2021, trước hết cần thống nhất nhận thức trên một số mặt sau:

Thứ nhất, cần nhận thức rõ ràng rằng dịch COVID-19 là một dạng khủng hoảng phi kinh tế, đặc thù chưa có tiền lệ. Mức độ ảnh hưởng trực tiếp của dịch đã phần nào quan sát được, nhưng khả năng kéo dài và mức độ ảnh hưởng lâu dài của dịch vẫn còn là câu hỏi mở.

Với những tiến triển tích cực trong công tác nghiên cứu và chế tạo vaccine phòng virus SARS-COVI-2 của các nhà khoa học trong nước và thế giới, việc đưa xã hội trở lại trạng thái vận động bình thường rất có thể trong tương lai gần. Các tương tác trực tiếp diễn ra trong nền kinh tế - xã hội phần lớn sẽ có thể trở lại trạng thái bình thường.

Thứ hai, những thành công trong kiểm soát dịch COVID-19 của Việt Nam không chỉ đơn thuần là những ghi nhận của cộng đồng thế giới trong khả năng đối phó khủng hoảng phi kinh tế. Lớn hơn thế, những thành công này giúp củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư về một Việt Nam với môi trường kinh doanh hấp dẫn, nền kinh tế vĩ mô ổn định, và quan trọng hơn là khả năng kiểm soát tốt những tác động tiêu cực và khó lường đến từ bên trong lẫn bên ngoài quốc gia.

Điều này mở ra những triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2021 và các năm tiếp theo với dòng vốn không chỉ dồi dào về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng, hướng tới các ngành, lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng chất xám và khoa học công nghệ từ trung bình đến cao như linh kiện, phụ kiện máy móc, đồ điện tử, các sản phẩm khoa học, sản phẩm y tế, hoá học, cao su và nhựa,…

Thứ ba, dịch bệnh đã bộc lộ sớm hơn, rõ hơn một số điểm yếu của thị trường lao động - việc làm bộc lộ sớm mà cần phải được kịp thời khắc phục. Cụ thể: (i) các định chế thị trường của thị trường lao động còn yếu và có độ bao phủ thấp; (ii) hệ thống thông tin về lao động và việc làm của Việt Nam còn kém phát triển, các luồng thông tin lưu chuyển chưa tốt, chưa được cập nhật và liên tục; (iii) bộ phận lao động không có giao kết hợp đồng chính thức là nguyên nhân khiến nhiều chính sách phát triển thị trường lao động của nước ta trong thời gian qua chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Khắc phục được những hạn chế này sẽ góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế.

Thứ tư, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và chăm lo bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, “ để không ai bị bỏ lại phía sau” là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030.

* Làm gì để đón đầu thành công sự phát triển?

Nhiều nội dung cần làm nhằm phát triển lao động, việc làm và an sinh xã hội mới “hậu COVID”, tập trung trọng điểm như sau:

Thứ nhất, cần tập trung ban hành các chủ trương và thể chế hóa cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường lao động đồng bộ và hiện đại. Những định chế quan trọng của thị trường lao động hiện đại cần được khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ, đầu tư để phát triển như: Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm hiện đại có thể kết nối toàn quốc và quốc tế, các công ty cho thuê lao động; hệ thống lưới an sinh xã hội đỡ rủi ro như các quỹ bảo hiểm xã hội, xây dựng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trở thành quỹ bảo hiểm việc làm và thực sự thành một định chế quản trị và điều phối thị trường lao động hiện đại.

Thứ hai, xây dựng một hệ thống quản trị lao động hiện đại, minh bạch, mà trong đó hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng, đa lĩnh vực được xây dựng và củng cố. Thông tin thị trường lao động được thu thập, nghiên cứu làm cơ sở ban hành cơ chế chính sách đối với thị trường lao động phi chính thức. Một phần lao động có quan hệ lao động chưa chính thức có thể chuyển sang quan hệ lao động chính thức.

Một bộ phận lao động không có quan hệ lao động có thể được hướng tới các lưới an sinh cơ bản để đảm bảo hạn chế rủi ro của thị trường. Đối với lao động nông thôn, cần tiến hành phân loại rõ, khuyến khích họ tham gia vào hệ thống an sinh xã hội, có những cơ chế ưu đãi với vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn khi tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.

Thứ ba, Nhà nước cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc, có cơ chế khuyến khích dịch chuyển cung cầu lao động khai thông thị trường, linh động hỗ trợ các địa bàn thị trường yếu kém. Cơ chế chính sách nhằm liên kết với thị trường việc làm quốc tế, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước thông qua các sàn giao dịch việc làm quốc tế có quản trị hiện đại và minh bạch.

Thứ tư, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp để có nguồn cung lao động chất lượng. Mạnh dạn chuyển đổi  hệ thống phổ thông trung học cơ sở, như các nước phát triển đã làm, theo hướng phân luồng học nghề và văn hóa để sau 3 năm có trình độ trung cấp và cao đẳng nghề, có thể liên thông kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành. Việc này sẽ bổ sung một lực lượng lao động rất lớn, trẻ, kéo dài thời gian lao động.

Đổi mới hệ thống giáo dục, nâng cao chất lượng thông qua việc trao tự chủ cho thị trường, xây dựng thương hiệu cơ sở giáo dục, để thị trường giáo dục nghề nghiệp phát triển. Nhà nước chỉ quản trị chất lượng và hỗ trợ đối tượng yếu thế tham giao vào hệ thống giáo dục. Cần đẩy mạnh cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động, thông quan sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, nhằm tạo sự minh bạch trong giao dịch thị trường việc làm, thuận lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp trong kết nối cung cầu.

Năm 2020 khép lại với nhiều khó khăn, thử thách trong điều hành lĩnh vực an sinh xã hội và lao động - việc làm.Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận của toàn dân, cùng tham gia nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế hợp lý, vận hành triệt để những cơ chế chính sách sẵn có, vừa tạo ra những cơ chế, chính sách mới, kinh tế Việt Nam đã không bị rơi vào suy thoái bởi dịch COVID-19 như nhiều nước trên thế giới.

Bước sang năm mới 2021, với việc khống chế, kiểm soát tốt dịch COVID-19 và vắc xin đang dần được đưa vào sản xuất, sử dụng trên toàn thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến không chỉ thu hút được sự quan tâm, chú ý của các quốc gia trên thế giới, các tập đoàn, doanh nghiệp mà còn có nhiều cơ hội tiếp nhận những dòng vốn mới, công nghệ mới, có cơ hội để bứt phá phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục