Đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án cấp điện cho Thủ đô Hà Nội (Bài 2)

12:21' - 18/01/2017
BNEWS Công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ; còn có sự chồng chéo các dự án... là những nguyên nhân có thể dẫn đến chậm tiến độ các dự án cấp điện cho Thủ đô Hà Nội.

>> Bài 1: Đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án cấp điện cho Thủ đô Hà Nội

Thi công Đường dây 500/220kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2. Ảnh: TTXVN

Ban Quản lý dự án (QLDA) các công trình điện miền Bắc (NPMB) xác định giải phóng mặt bằng là một khâu quan trọng trong việc đảm bảo tiến độ các dự án đặc biệt trên địa bàn Hà Nội có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến chậm tiến độ như: Công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ; còn có sự chồng chéo các dự án; trong năm thành phố đang thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa dẫn đến xác định nguồn gốc đất khó khăn.

Năm 2016 là năm các địa phương tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử Quốc hội khóa XIV ... nên sự vào cuộc của chính quyền địa phương cấp quận huyện có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Lường trước được các khó khăn đó ngay từ năm 2014, Ban đã đề nghị thành phố Hà Nội bổ sung kế hoạch sử dụng đất các cho dự án truyền tải vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của Thành phố; Thực hiện ngay gói thầu đo vẽ địa chính, trích lục các thửa đất để phục vụ công tác chỉ lệnh cắm mốc và giải phóng mặt bằng.

Trong thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng, lãnh đạo Ban, lãnh đạo và chuyên viên phòng Đền bù thường xuyên có mặt tại địa bàn phối hợp tốt với Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện để rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thực hiện. 

Ban cũng chủ động báo cáo các Hội đồng và UBND các quận, huyện cho phép kiểm đếm áp giá và tạm ứng 70% chi phí của phương án dự kiến phê duyệt để có mặt bằng triển khai thi công. Đồng thời kịp thời báo cáo Tổng công ty các vướng mắc để làm việc với UBND thành phố Hà Nội tháo gỡ. Mặc dù vậy, kết quả thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án tại Hà Nội vẫn chưa đạt được như kỳ vọng làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. 

Theo Giám đốc Phan Lương Thiện, các dự án cấp điện cho Hà Nội do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên việc bàn giao mặt bằng sạch thường bị chậm. Do đó khi có mặt bằng Ban đã tập trung đàm phán với các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, bố trí làm ca kíp để rút ngắn tiến độ so với tiến độ đã ký kết trong hợp đồng.

Cùng đó lên kế hoạch thi công các hạng mục một cách hợp lý để có thể tiến hành thi công đồng bộ các hạng mục, tránh các thời gian chết giữa việc thi công các hạng mục. 

Trạm 500kV Đông Anh. Ảnh: TTXVN

NPMB còn cử cán bộ thường xuyên theo dõi tiến độ đưa ra các cảnh báo kịp thời đến nhà thầu để có biện pháp khắc phục khi có nguy cơ chậm tiến độ. Bên cạnh đó Tập đoàn và Tổng công ty thường xuyên tổ chức các buổi giao ban tiến độ trên công trường để trực tiếp giải quyết các vướng mắc và qua đó động viên các nhà thầu xây lắp hiểu được tầm quan trọng của các dự án cấp điện Hà Nội và phấn đấu hoàn thành tiến độ.

Công tác khảo sát và thiết kế là một công đoạn quyết định đến chất lượng dự án do đó Ban đã tăng cường giám sát khảo sát, bám sát các quy định và yêu cầu nhà thầu Tư vấn thiết kế nghiêm túc thực hiện.

Đồng thời quản lý chặt chẽ việc cung cấp vật tư thiết bị ngay từ khâu thỏa thuận thiết kế bản vẽ chế tạo, bản vẽ thi công vật tư thiết bị để giảm những sai sót có thể xảy ra, giảm thời gian thỏa thuận bản vẽ để dồn cho thời gian chế tạo. Ban kiên quyết không nghiệm thu các sản phẩm không có chứng chỉ thí nghiệm xuất xưởng và thí nghiệm vật liệu (đối với các hạng mục cần thiết). 

Xác định giám sát thi công tại hiện trường là khâu trọng tâm đảm bảo chất lượng các dự án, vì vậy, Ban đã cắt cử các chuyên viên giám sát có kinh nghiệm và đặc biệt có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt huyết cao hàng ngày bám công trường.

Mặt khác, yêu cầu các nhà thầu sử dụng nguyên vật liệu đúng thiết kế và hợp đồng. Các nguyên vật liệu đều phải có thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng đúng quy định. Riêng bê tông, NPMB yêu cầu các nhà thầu dùng bê tông thương phẩm để đảm bảo chất lượng bê tông đồng đều....  

Mặc dù vậy, tiến độ thực hiện của 2 dự án là đường dây 220kV Hòa Bình - Tây Hà Nội và đường dây 500/220kV Hiệp Hòa - Đông Anh -  Bắc Ninh 2 không đạt được theo kế hoạch phải thi công tiếp trong năm 2017./.

>>> Nhiều giải pháp giảm tổn thất điện năng

>>> EVNNPT hoàn thành khối lượng đầu tư xây dựng lớn nhất từ trước đến nay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục