Đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước

16:10' - 22/04/2020
BNEWS Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, ngày 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

* Sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất nước 

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đạo các cấp, các ngành siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước. Cơ cấu chi chuyển dịch tích cực, đạt mục tiêu đề ra (chi đầu tư phát triển khoảng 27%, chi thường xuyên khoảng 61% tổng chi ngân sách nhà nước).

Chính phủ ban hành và triển khai quyết liệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.Trong năm 2019, có 12 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa; thoái vốn trị giá 1.791 tỷ đồng, thu về 3.258 tỷ đồng.

Đáng chú ý, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai, thực hiện mạnh mẽ hơn, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.

Năm 2019, ngành Thanh tra đã triển khai hơn 6.600 cuộc thanh tra hành chính, trên 227.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 173.400 tỷ đồng, khoảng 22.500 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 84.000 tỷ đồng, thu hồi 897 ha đất...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chậm và đạt thấp so với kế hoạch, gây lãng phí nguồn lực.

Tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính nhiều nơi chưa thực chất. Công tác quản lý hoạt động thanh tra có lúc, có nơi bị buông lỏng; một số công chức thanh tra thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, vi phạm pháp luật…

*Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ, song đề nghị làm rõ nguyên nhân của những hạn chế để chấn chỉnh.

Cụ thể, vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia (dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành) vẫn còn nhiều vướng mắc. Một số dự án phải lùi tiến độ, tăng thêm vốn, tổng mức đầu tư gây tốn kém làm đảo lộn các kế hoạch, đề án phát triển, quy hoạch đô thị khác (Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội).

Bên cạnh đó, công tác quản lý sử dụng đất đai vẫn còn hạn chế, pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều nội dung chưa thống nhất, đồng bộ dẫn đến nhiều khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. Đặc biệt, công tác xử lý khiếu kiện, chống đối trong việc hỗ trợ, đền bù đất đai tại huyện Mỹ Đức - Hà Nội còn để xảy ra tình trạng mất trật tự an toàn xã hội, thiệt hại về tính mạng và tài sản…

Từ phân tích trên, cơ quan thẩm tra kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo các Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công làm thất thoát, lãng phí nguồn lực của nhà nước.

Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam và thế giới, Chính phủ cần có biện pháp sắp xếp lại thu, chi ngân sách, cân đối ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định; giao thêm chỉ tiêu tiết kiệm ngân sách nhà nước năm 2020 trong tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài, tập trung ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục kinh tế; quyết liệt chỉ đạo để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả của dịch COVID-19 đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lạm dụng chính sách.

*Làm rõ trách nhiệm bộ máy công vụ giải quyết thủ tục hành chính

Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập từ việc quản lý điều hành ngân sách, sử dụng tài sản công, tinh gọn bộ máy cho đến khai tác tài nguyên thiên nhiên. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn chứng về câu chuyện điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua để làm rõ sự lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh. “Vụ xuất khẩu gạo lúng túng, vội vàng gây lãng phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người trồng lúa. Nhiều dự án đầu tư đang làm nhưng vướng thủ tục hành chính, dừng lại một ngày tốn bạc tỉ nhưng không được giải quyết”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ và đề nghị Báo cáo nói rõ hơn trách nhiệm bộ máy công vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp khi nhiều dự án bị đình trệ, gây lãng phí tiền bạc, công sức, thời gian.

Đề cập đến vấn đề lãng phí nguồn lực xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu nói không dùng tiền ngân sách là tiết kiệm thì chưa chính xác. “Bây giờ lễ hội quá nhiều, cứ nói là không sử dụng ngân sách nhưng huy động của xã hội, tiền doanh nghiệp, đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Nguồn lực đó đáng ra có thể giúp dân xóa đói giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu, nhưng lại huy động để tổ chức lễ hội hoành tráng, thành phong trào ở các tỉnh, thành”, Chủ tịch Quốc hội phân tích và đề nghị Chính phủ lập lại trật tự trong lĩnh vực lễ hội, kể cả việc huy động nguồn lực.

Lưu ý về tình trạng lãng phí trong các dự án đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề cập đến hàng loạt dự án mà ông cho là đã chậm tiến độ, mặc dù đã được Quốc hội đặc biệt quan tâm, ra nghị quyết như dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, dự án cao tốc Bắc – Nam…

“Mặc dù Quốc hội đã ủng hộ Chính phủ cho phép tách phần thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành một dự án riêng, nhưng khối lượng thực hiện mới 70%; trong khi 30% còn lại là những trường hợp phức tạp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của công trình trọng điểm cao tốc Bắc-Nam”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị có những đánh giá mang tính định lượng về một số chủ trương đã triển khai, trong đó có việc khoán xe công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Báo cáo cần phân tích sâu hơn, nhất là về hạn chế nhất định trong điều hành ở một số cấp, ngành dẫn tới lãng phí cho doanh nghiệp, xã hội.

Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho thấy nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu “điểm danh” các cơ quan, đơn vị này trong các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách để báo cáo Quốc hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục