Phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường

17:51' - 21/04/2020
BNEWS Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

* Mở rộng phạm vi

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Luật hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật với những thay đổi nhanh của cơ chế thị trường; một số quy định mới chỉ ở mức khung, chưa bảo đảm các yếu tố thực thi. Trong khi đó, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

Bên cạnh đó, nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đã được ban hành cùng với nhiều cam kết quốc tế có liên quan đến môi trường đã được Việt Nam tham gia, cần sớm được thể chế hóa để triển khai thực hiện.

“Những vấn đề nêu trên cho thấy đã đến lúc cần hoàn thiện đạo luật về bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, trong đó đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định các chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án; đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-85 ngày.

Chính phủ cũng đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo đó, từ 7 nhóm chính sách ban đầu, Chính phủ bổ sung 6 nhóm chính sách mới, kèm theo Báo cáo đánh giá tác động của cả 13 nhóm chính sách.

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, hiệu quả, phù hợp hơn với thế và lực mới cao hơn nhiều của đất nước; nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các đại biểu tán thành với đề xuất của Chính phủ mở rộng phạm vi điều chỉnh, sửa đổi toàn diện Luật.

* Đề nghị nâng mức xử phạt vi phạm về môi trường

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc đến 3 trụ cột phát triển bền vững, đó là kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, vấn đề bảo vệ môi trường rất quan trọng, bởi vậy Luật Bảo vệ môi trường cần giải quyết những bất cập và đưa vào những quy định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước.

Nhấn mạnh “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các tiêu chuẩn môi trường đặt ra cũng không gây cản trở cho sự phát triển kinh tế. “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Luật này phải làm sao thể chế hóa nội dung này, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về quy định mức chi tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tăng tỷ lệ chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ sở nào để xác định là 2% trên tổng chi ngân sách phải làm rõ để báo cáo Quốc hội.

Liên quan đến quy định thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 42, dự thảo Luật), Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án, trong đó đề xuất thực hiện phương án 1 giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đánh giá tác động môi trường là vấn đề chuyên môn, phải có chuyên gia, phương tiện, điều kiện nên không phải bộ nào, cơ quan nào cũng có thể đánh giá được.

Nội dung này còn liên quan đến quản lý và xử lý hành chính, vì thế phải rất rõ ràng. “Nên giao cho cơ quan chuyên môn, có năng lực, trình độ để đánh giá tác động môi trường; đồng thời phân loại từng cấp độ dự án để làm rõ dự án nào trung ương đánh giá, dự án nào có thể phân cấp cho địa phương, nhưng địa phương cũng phải có cơ quan chuyên môn làm việc này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị nâng mức xử phạt đối với những vi phạm về môi trường để đảm bảo tính răn đe. Băn khoăn vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường còn nhiều hạn chế, bà Nguyễn Thị Thanh Hải phân tích, chủ thể được quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường hiện nay trong quy định của pháp luật chỉ là Ủy ban nhân dân cấp xã, tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trên thực tế, các chủ thể này chưa khởi kiện lần nào để yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường mà chủ yếu áp dụng hành chính. “Với quan điểm sửa đổi rất lớn lần này có nên mở rộng chủ thể quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường về môi trường, ảnh hưởng đối với các cá nhân, cộng đồng dân cư khi họ bị ảnh hưởng được sống trong môi trường trong lành hay không”, bà Hải nêu quan điểm.

Về quản lý chất thải (Chương VI), các đại biểu thống nhất cao cách tiếp cận về quản lý chất thải này trong dự thảo Luật, đặc biệt là các quy định nhằm thúc đẩy việc phân loại chất thải rắn tại nguồn để tăng cường giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và thu gom, xử lý.

Tuy nhiên, dự thảo Luật mới quy định việc bắt buộc phân loại chất thải rắn tại nguồn trong các bao bì, thiết bị chứa đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị; vì thế nhiều đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định lộ trình áp dụng đối với khu vực nông thôn để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả; đồng thời tiếp tục rà soát, cân nhắc các nội dung cụ thể về quản lý chất thải với quy định của một số Luật liên quan như Luật Giá, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Chính quyền địa phương để bảo đảm phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục