Đảm bảo vận hành các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão

07:44' - 02/09/2023
BNEWS Mùa mưa bão đến gần, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi.

Mùa mưa bão đang đến gần và dự báo diễn biến bất thường, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi nhằm giảm thiệt hại thấp nhất do mưa lũ gây ra.

* Nhiều công trình xuống cấp

Bara Bến Thủy (phường Bến Thủy, thành phố Vinh) là công trình thủy lợi trọng điểm có tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu thoát lũ cho địa bàn thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn. Công trình Bara Bến Thủy được xây dựng cách đây 80 năm với 10 cửa; trong đó, có 8 cửa bê tông tiêu thoát nước. Do xây dựng lâu năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, hoạt động duy tu, bảo dưỡng lại đang gặp khó khăn khi nguồn kinh phí hạn chế.

Ông Lê Đình Nam, Trạm trưởng trạm quản lý Bara Bến Thủy cho biết, ngay từ đầu tháng 8/2023, Trạm quản lý Bara Bến Thủy đã huy động lực lượng tại chỗ của đơn vị thường xuyên kiểm tra hệ thống cửa van, máy đóng mở, xích cáp… tổ chức duy tu, bảo dưỡng các hư hỏng, trục trặc để đảm bảo vận hành an toàn, nhanh chóng. Cán bộ tại trạm Bara Bến Thủy cũng được huy động tối đa, túc trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý sự cố, đảm bảo vận hành cửa tiêu thoát nước. Thời gian tới, đơn vị cũng kiến nghị chính quyền các cấp cần xem xét mở rộng khẩu độ các cửa, mở thêm cửa để đảm bảo việc tiêu thoát nước nhanh hơn.

Còn Bara Nghi Quang (xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc) được xây dựng với 12 cánh cửa van phẳng, 1 cánh cửa cung cách đây 30 năm về trước. Tuy nhiên, công trình thủy lợi này đang xuống cấp trầm trọng ở nhiều hạng mục, nhất là ở cửa van phẳng. Do các cửa đều làm bằng sắt thép, lại ngâm thường xuyên trong vùng nước mặn và nước lỡ, thủy triều lên xuống nên cánh cửa đã bị oxy hóa, hoen rỉ nhanh, gây khó khăn cho việc vận hành tiêu thoát lũ.

Ông Hoàng Văn Lương, Trạm trưởng Trạm Bara Nghi Quang cho biết, đây là công trình thủy lợi giữ ngọt, chống xâm nhập mặn và tiêu thoát lũ cho cả huyện Nghi Lộc, một phần của huyện Hưng Nguyên và một phần thành phố Vinh. Trước mùa mưa bão năm 2023, đơn vị đã được cấp kinh phí thay mới 6/12 cánh cửa van phẳng để nhằm đáp ứng cho việc vận hành. Tuy nhiên, 6 cánh cửa van phẳng còn lại cũng bị hư hỏng nặng, gây khó khăn cho việc vận hành cần sớm được thay mới.

Theo ông Tạ Duy Hiền, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Nam (Nghệ An), công ty đang quản lý 13 công trình hồ đập, 46 trạm bơm, kênh mương và 3 công trình thủy lợi đầu mối hết sức quan trọng tại huyện Nam Đàn, Nghi Lộc và thành phố Vinh. Đến thời điểm hiện nay, các công trình thủy lợi, hồ đập đều đã được Công ty phê duyệt các phương án phòng chống thiên tai, bão lụt và trình các cấp lãnh đạo.

Trước vào mưa bão 2023, công ty đã tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình thủ lợi, hồ đập xuống cấp nghiêm trọng để có phương án xử lý; chỉ đạo đơn vị quản lý chủ động sửa chữa, vận hành thử công trình. Tuy nhiên, hai công trình Bara bến Thủy và Bara Nghi Quang đã xuống cấp nghiêm trọng do đã xây dựng lâu từ 30 năm và 80 năm trước.

Hiện nay, nhiều bộ phận của công trình, đặc biệt là cửa van thường xuyên ngâm nước mặn nên độ hao mòn, oxy hóa nhanh chóng. Công ty cũng kiến nghị chính quyền các cấp xem xét bố trí nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa hai công trình này để đáp ứng việc tiêu thoát lũ trong mùa mưa bão và giữ ngọt, chống xâm nhập mặn.

 

* Chủ động ứng phó

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An có 1061 hồ đập, 500 trạm bơm, hơn 400 đập dâng và hơn 10 cống đầu mối, 6.000 Km kênh mương; trong đó, có 333 hồ đập, hồ chứa hư hỏng xuống cấp sau mùa mưa lũ năm 2022. Đăc biệt, có 120 hồ chứa xung yếu đề nghị sửa chữa, nâng cấp.

Bara Bến Thủy (phường Bến Thủy, thành phố Vinh) được xây dựng cách đây 80 năm có tác dụng ngăn mặn, tiêu thoát lũ cho địa bàn thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, tiêu thoát lũ chậm. Ảnh: TTXVVN phát

Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn tình trạng mất an toàn hồ đập, sự cố tại công trình thủy lợi vào thời điểm mùa mưa lũ đến; tính mạng, tài sản của người dân và hoa màu ở vùng hạ lưu của hồ đập vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn ở thời điểm mưa lớn kéo dài, nhất là trong những năm gần đây, mưa lũ diễn biến rất bất thường.

Nguyên nhân là do tỉnh Nghệ An có nhiều hồ đập, công trình thủy lợi được thiết kế và thi công đã từ rất lâu nên chất lượng đã xuống cấp. Cùng đó, biến đổi khí hậu, lượng mưa có cường độ lớn hơn, thời gian tập trung lượng mưa cũng mạnh hơn trước nên tần suất cũng như thông số thiết kế của hồ đập trước đây không đáp ứng được so với thời điểm hiện tại. Ngoài ra, kinh phí hàng năm phục vụ sửa chữa, gia cố hồ đập, đê điều cũng hạn hẹp.

Theo ông Nguyễn Trường Thành, để đảm bảo an toàn và xử lý sự cố công trình thủy lợi, năm 2023 tỉnh Nghệ An đã cấp 30 tỷ đổng để sửa chữa công trình ách yếu. Chi cục Thủy lợi Nghệ An đã đôn đốc địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi trên địa bàn, nhất là hồ chứa, đầu mối tưới, tiêu lớn; công trình mới được sửa chữa hoặc xây dựng mới chưa qua thử thách trong bão lụt. Các địa phương chủ động phương án, nhân lực, vật lực để ứng phó với tình huống, sự cố liên quan đến hồ đập, thủy lợi có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, với công trình, hồ đập thủy lợi đang trong quá trình thi công sửa chữa, tỉnh Nghệ An chỉ đạo khi mùa mưa bão đến, điểm dừng công trình này phải ở mức an toàn kỹ thuật nhất và không được tích nước; những hồ đập thi công đến mức đảm bảo an toàn mới được tích nước và phải có phương án đảm bảo an toàn cho từng hạng mục./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục