Đàm phán giữa Chính phủ Hàn Quốc và nghiệp đoàn lái xe chở hàng tiếp tục thất bại

14:09' - 13/06/2022
BNEWS Ngày 13/6, cuộc đình công của hàng nghìn lái xe tải ở Hàn Quốc đã bước sang ngày thứ 7 liên tiếp, làm gián đoạn và chậm trễ hoạt động logistics trên cả nước trong bối cảnh các cuộc đàm phán thất bại.

Nghiệp đoàn lái xe tải chở hàng Hàn Quốc cho biết đã nỗ lực tìm giải pháp thông qua các cuộc đàm phán với Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông song không đạt được thỏa thuận.

 

Trong vòng đối thoại mới nhất vào ngày 12/6, hai bên đã tiến gần tới một thỏa thuận nhằm đẩy mạnh các nỗ lực giúp kéo dài và cải thiện hệ thống cước phí hiện nay.

Tuy nhiên, đối thoại đã thất bại ngay trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng do vấp phải sự phản đối từ đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền. Do đó, nghiệp đoàn khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức đình công và đấu tranh quyết liệt hơn.

Cùng ngày, các doanh nghiệp hóa dầu phải cắt giảm hoạt động, khi lượng hàng hóa tăng nhanh nhưng hoạt động vận chuyển lại bị gián đoạn do đình công. Theo Hiệp hội Công nghiệp hóa dầu (chiếm 32% tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại Hàn Quốc), lượng hàng hóa trung bình xuất khỏi nhà máy tại các công ty thành viên đã giảm tới 90%.

Cuộc đình công đã gây thiệt hại nặng nề cho các tổ hợp hóa dầu chính tại Ulsan, Yeosu và Daesan.

Trong khi đó, ngành sản xuất ô tô là chịu thiệt hại nặng nhất do không nhận được kịp thời các bộ phận lắp ráp, hay vận chuyển sản phẩm hoàn chỉnh.

Các công ty đã phải thành lập nhóm đặc trách trong hiệp hội thương mại để theo dõi tình hình và kêu gọi các bên sớm đạt được giải pháp. Tương tự, tập đoàn sản xuất thép POSCO đã buộc phải dừng hoạt động của một số nhà máy do thiếu chỗ chứa sản phẩm.

Công ty sản xuất ô tô Hyundai Motor đã quyết định cắt giảm sản xuất tại một số dây chuyền, trong khi các nhà sản xuất xi măng cũng giảm quy mô hoạt động.

Các thành viên của Nghiệp đoàn tài xế xe tải chở hàng Hàn Quốc đã bắt đầu đình công từ ngày 7/6, yêu cầu chính phủ gia hạn Hệ thống cước phí xe tải an toàn nhằm đảm bảo mức lương tối thiểu để các tài xế có thể chống chọi với tình trạng chi phí xăng dầu ngày càng tăng. Hệ thống này được áp từ năm 2020 và dự kiến hết hiệu lực vào ngày 31/12 tới.

Tính đến ngày 12/6, có 4.100 lái xe, tương đương 19% thành viên của nghiệp đoàn tham gia đình công trên cả nước, làm đình đốn lưu thông hàng hóa tại các cảng và nhà máy của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Trong ngày 12/6, lượng container hàng hóa ra vào Busan, cảng lớn nhất tại Hàn Quốc, đã giảm xuống còn 25% so với tháng trước. Trong khi đó, tại cảng Incheon, con số này đã giảm 20% so với mức bình thường.

Trước tình hình này, Chính phủ Hàn Quốc đã hối thúc các lái xe tải quay lại làm việc, đồng thời tìm cách đáp ứng nhu cầu của người lao động thông qua lộ trình pháp lý, nỗ lực chấm dứt đình công qua đối thoại. Bên cạnh đó, chính phủ cũng nhấn mạnh việc thay đổi luật thuộc về thẩm quyền của Quốc hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục