Đàm phán NAFTA: Vì sao chính quyền Mỹ “mềm mỏng” hơn? (Phần 1)

05:30' - 21/03/2018
BNEWS Vòng 7 tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) diễn ra trong bối cảnh các cuộc gặp của đại diện Mỹ, Canada và Mexico từ tháng 8/2017 không mang lại kết quả như mong đợi.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà quan sát thương mại lạc quan về tương lai của hiệp định này. Matthew Rooney, Giám đốc phụ trách chương trình tăng trưởng kinh tế của Viện Bush ở Dallas (Mỹ), thuộc Thư viện Tổng thống George W.Bush, nhận định: “Nguy cơ Mỹ rút hoàn toàn khỏi NAFTA đang giảm đáng kể”.

Trong khi đó, nhà kinh tế Carlos Capistran, hiện làm việc cho Ngân hàng Mỹ (BAC), cho rằng kịch bản dễ diễn ra nhất là các vòng tái đàm phán về NAFTA sẽ kéo dài sang năm 2019.

Những nhận định lạc quan này không hề tồn tại ở thời điểm cách đây một năm. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lấy NAFTA làm mục tiêu chỉ trích trong suốt chiến dịch tranh cử và thậm chí vào tháng 4 năm ngoái còn úp mở nói rằng sẽ rút Mỹ khỏi hiệp định này bởi sự hiện diện của nó khiến người lao động Mỹ rơi vào thế bất lợi. 

Các nhà đàm phán ban đầu hy vọng tiến trình tái đàm phán sẽ kết thúc vào cuối năm 2017. Trong thời gian diễn ra vòng tái đàm phán thứ 4 vào tháng 10 năm ngoái, đại diện cấp cao của Canada và Mexico đã lớn tiếng gay gắt chỉ trích đại diện Mỹ ngay tại một cuộc họp báo. Đáp lại, nhà đàm phán của Mỹ cũng đưa ra những tuyên bố hết sức cứng rắn và nóng nảy. 

Các cuộc đàm phán đã kéo dài hơn so với dự kiến khi những vấn đề gây chia rẽ không mấy được cải thiện. Sản xuất ôtô vẫn là nội dung gai góc nhất, với việc Mỹ muốn buộc các doanh nghiệp ôtô tăng sản lượng tại Mỹ nhiều hơn là tại Mexico và Canada, song đề xuất này đã bị từ chối. 

Câu hỏi đặt ra là lý do gì khiến ông Trump chưa rút Mỹ khỏi hiệp định này? Người đứng đầu Nhà Trắng đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thực tế những bình luận của ông về NAFTA thậm chí còn gay gắt hơn nhiều những gì ông dành cho hai hiệp định nói trên. 

Các chuyên gia thương mại đã đưa ra một vài phân tích để lý giải hành động của Tổng thống Trump. Trước hết, NAFTA không có thời hạn chót. Về lý thuyết, các cuộc đàm phán có thể kéo dài vô thời hạn. Trong khi đó, bản thân NAFTA không thay đổi. 

Trên thực tế, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Mexico trong năm ngoái đã tăng, và theo Văn phòng Thương mại Mỹ, khoảng 14 triệu việc làm tại Mỹ vẫn phải dựa vào trao đổi thương mại với Canada và Mexico. Một vài công ty sản xuất xe ô tô đã thay đổi phân bổ sản lượng, không phải việc làm, từ Mexico sang Mỹ. Nói cách khác, bối cảnh thương mại không có nhiều biến động.          

Thứ hai, theo Edward Alden - một học giả giàu kinh nghiệm hiện làm việc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - sự mập mờ là sự lựa chọn tốt nhất của ông Trump tại thời điểm hiện tại. Nếu ông Trump rút Mỹ khỏi NAFTA, ông sẽ chọc tức phe Cộng hòa và các tập đoàn cùng với những doanh nghiệp lớn, những người luôn yêu cầu ông duy trì hiệp định này.

Hàng triệu việc làm tại các bang truyền thống của đảng Cộng hòa như Texas và Arizona đều lệ thuộc vào thương mại tự do. Tổng thống Trump cũng có thể gây đảo lộn trên các thị trường tài chính. Các nhà đầu tư không thích bất ổn, và họ càng không muốn chiến tranh thương mại. 

Tuy nhiên, ông Alden cho rằng nếu các nhà đàm phán của ông Trump sớm đạt được thỏa thuận, “ông ấy sẽ phải xoay xở để từ một người gay gắt lên án NAFTA nhất trở thành người cổ vũ hiệp định này”.

Trong một bài phân tích đăng trên tờ Politico hôm 26/2, ông Alden viết: “Quá trình đàm phán kéo dài là cách để ông Trump có thể tiếp tục nói rằng ông ấy đang đấu tranh cho một thỏa thuận tốt hơn, một thỏa thuận thậm chí có thể xem là tốt nhất”. 

Thứ ba, có nhiều nhân tố khác khiến các hãng sản xuất Mỹ đang trở nên hấp dẫn hơn, và vô hình trung khiến những đòi hỏi về việc rút khỏi NAFTA trở nên ít hợp lý hơn. Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát vừa điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%, và các doanh nghiệp hiện có thể mua sắm các thiết bị mới từ phần tiền dôi ra này.

Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đang điều chỉnh một số quy định. Giá đồng USD đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái khiến các sản phẩm của Mỹ có giá rẻ hơn và hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng nước ngoài.

Bản thân ông Trump cũng tỏ ra mềm mỏng hơn trong vấn đề NAFTA. Người đứng đầu Nhà Trắng vẫn thường xuyên đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi hiệp định này, song ông biết rõ các nhà đàm phán sẽ không thể sớm hoàn tất thỏa thuận mới.

Sau vòng đàm phán này, các cuộc gặp tiếp theo sẽ khó khăn hơn. Chiến dịch tranh cử Tổng thống tại Mexico sẽ khởi động từ 30/3 tới và cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 1/7. Thời gian cầm quyền của Tổng thống Enrique Pena Nieto sắp hết trong khi giới chức Mexico nói rằng họ khó có thể thông qua thỏa thuận thương mại mới trong bối cảnh cuộc bầu cử đang đến gần.

Trao đổi với tờ Wall Street Journal hồi tháng Một, Tổng thống Trump từng tỏ ý linh hoạt về việc tái đàm phán NAFTA bởi “họ đang chuẩn bị có một cuộc bầu cử. Tôi hiểu rằng có nhiều yếu tố gây cản trở cho việc đàm phán trước thềm bầu cử. Chẳng nên vội làm gì”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục