Đàm phán phi hạt nhân hóa có thể tạo xung lực cho lộ trình kinh tế mới hai miền Triều Tiên

10:19' - 14/06/2018
BNEWS Theo các nhà quan sát, "lộ trình kinh tế mới" của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho Bán đảo Triều Tiên có thể nhận được xung lực cần thiết nếu quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên đi đúng hướng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) chào từ biệt tại làng đình chiến Panmunjom tối 27/4. Ảnh: YONHAP/ TTXVN

Triển vọng cải thiện, thậm chí là thiết lập quan hệ kinh tế mới với Triều Tiên đang rất sáng sủa sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12/6 vừa qua.

Giả thiết là các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt đối với Triều Tiên sẽ giảm bớt cùng với việc Bình Nhưỡng có các động thái hướng tới từ bỏ vũ khí hạt nhân và các loại chương trình vũ khí hủy diệt khác.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, Tổng thống Moon Jae-in đã thông báo với nhà lãnh đạo Triêu Tiên Kim Jong-un về tầm nhìn quan hệ của mình và trao cho ông Kim một chiếc USB chứa các nội dung hiện chưa được công bố, ngay cả các quan chức chính phủ cấp cao cũng không được biết.

Điều mà dư luận quốc tế biết hiện nay là lộ trình đó sẽ hướng tới phát triển cân bằng giữa hai miền Triều Tiên và sự thống nhất kinh tế có thể tạo ra một động lực tăng trưởng mới, dẫn tới khai thác một nền kinh tế hướng Bắc.

Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu thống nhất đất nước của Hàn Quốc, Im Kang-taek (Im Cang Tếch) cho biết "một thị trường thống nhất đồng nghĩa với hợp tác kinh tế tích cực giữa hai miền Nam - Bắc, sử dụng vai trò và các chức năng của thị trường và cuối cùng là thống nhất các thị trường của hai miền".

Theo chuyên gia trên, để đạt được sự hội nhập về thị trường như vậy, cần mở một số tuyến đường giữa hai miền cho giao thông, thông tin liên lạc, các biện pháp quản lý người lao động và các khu chợ ở biên giới, cũng như Seoul và Bình Nhưỡng cần được bày bán sản phẩm của hai bên.

Các vành đai hợp tác kinh tế sẽ được chia theo khu vực bờ biển phía Đông, phía Tây và khu vực biên giới, nhằm xây dựng các mạng lưới cụ thể.

Theo chuyên gia Im Kang-taek, bờ biển phía Đông sẽ dành để phát triển năng lượng và tài nguyên, và kết hợp "tam giác phía Bắc", nối thành phố cảng Busan (Đông Nam Hàn Quốc), hai miền Triều Tiên, với Trung Quốc và Nga, trong khi "tam giác phía Nam" sẽ đi qua Busan, các khu kinh tế tự do Rajin-Sonbong ở Triều Tiên, tới cảng Niigata của Nhật Bản.

Vành đai bờ biển phía Tây sẽ nhằm phát triển mạng lưới công nghiệp, hậu cần và vận tải, kết nối các thành phố phía Tây Hàn Quốc với thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên, để liên kết với Bình Nhưỡng và Thượng Hải ở Trung Quốc.

Một hệ thống vận tải cao tốc sẽ kết nối Seoul với Bắc Kinh. Trong khi đó, vành đai biên giới sẽ dành cho phát triển môi trường và du lịch. Hai miền Nam - Bắc sẽ cùng hợp tác tổ chức các chuyến du lịch sinh thái và doanh nghiệp Xanh, đồng thời cùng nhau thực hiện nhiều dự án về nguồn nước.

Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế quốc tế của Hàn Quốc Lee Jae-young nhận định: "Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Nếu lộ trình kinh tế mới được hiện thực hóa và mang lại các thành quả kinh tế, thì việc nước này vươn lên vị trí là ền kinh tế lớn thứ 7 thế giới hoàn toàn nằm trong tầm tay"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục