Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ chỉ tháo gỡ về hình thức?

17:51' - 17/09/2019
BNEWS Mỹ và Trung Quốc sẽ tái khởi động đàm phán thương mại vào cuối tuần này, song giới phân tích nhận định rằng bất cứ thỏa thuận nào đạt được tại cuộc đàm phán này có thể chỉ mang tính hình thức.
Trong ảnh (tư liệu): Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 2, trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) và Phó Thủ tướng Lưu Hạc (phải) tại vòng đàm phán thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hãng tin Reuters dẫn nhận định của các chuyên gia thương mại cho rằng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã biến thành một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn vấn đề thuế quan, theo đó phía Trung Quốc không chắc sẽ đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc thay đổi cách thức vận hành nền kinh tế, trong khi Washington sẽ không thay đổi quan niệm các công ty Trung Quốc là mối đe doa an ninh quốc gia của Mỹ.

Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 6/9 cảnh báo xung đột giữa hai nước có thể mất 1 thập kỷ để tháo gỡ.

Trong khi đó, chuyên gia YoYongding, trước đây là cố vấn chính sách của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh không vội đạt thỏa thuận với Mỹ.

Chuyên gia Kellie Meiman Hock từng làm việc tại văn phòng Đại diện thương mại Mỹ nhận định các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có thể đạt một thỏa thuận tạm thời vào tháng 10 tới để xoa dịu các thị trường chứng khoán và tạo lợi thế chính trị sau các cuộc đàm phán của quan chức hai nước tuần này.

Tuy nhiên, dù đạt thỏa thuận nào cũng sẽ không giải quyết vấn đề cải tổ cấu trúc kinh tế của Trung Quốc - điều mà Mỹ và nhiều nước khác tìm kiếm lâu nay.

Trong khi đó, một số nguồn tin gần gũi với cuộc đàm phán cho biết các nhà đàm phán hai nước ít đạt tiến bộ rõ rệt về những điểm bất đồng kể từ khi đàm phán đổ vỡ hồi tháng 5 vừa qua.

Các nguồn tin ở Trung Quốc và Mỹ cho rằng, trong các cuộc đàm phán sắp tới, Bắc Kinh không sẵn lòng thỏa hiệp về cách thức mà nước này hỗ trợ các công ty thuộc sở hữu của nhà nước và trợ cấp những sản phẩm nội địa.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục coi công ty công nghệ Huawei  của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia và tiếp tục "để treo" những đe dọa áp thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.

Theo ông He Weiwen thuộc Viện nghiên cứu tài chính Chongyang thộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, kết quả cuối cùng của các cuộc đàm phán phải là bãi bỏ tất cả thuế quan.

Ông nhấn mạnh "đây là lằn ranh giới đối với Trung Quốc" và ông không lạc quan về triển vọng đàm phán.

Do tranh cãi thương mại giữa hai nước, hoạt động đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ trong 6 tháng qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Theo công ty nghiên cứu Rhodium Group, các thỏa thuận vốn rủi ro và đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa hai nước trong 6 tháng đầu năm 2019 ở mức 13 tỷ USD, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo người phát ngôn Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, các nhà đàm phán thương mại cấp phó của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Washington, bắt đầu từ ngày 19/9, trước khi hai nước tiến hành vòng đàm phán thương mại và kinh tế cấp cao lần thứ 13 vào tháng 10 tới tại thủ đô Washington (Mỹ)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục