Dần lộ diện "bức tranh" kinh doanh ngành ngân hàng nửa đầu năm

13:13' - 21/07/2023
BNEWS Những mảnh ghép đầu tiên trong "bức tranh" kinh doanh ngành ngân hàng nửa đầu năm 2023 đã lác đác lộ diện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, kết quả kinh doanh của một số ngân hàng không mấy khả quan.

Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng không mấy khả quan.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 638 tỷ đồng, tương ứng với 23% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank ở mức 2,86%. 

ABBank cho biết nợ xấu có xu hướng tăng theo diễn biến chung của toàn ngành dẫn tới phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh trong quý vừa qua. Dù vậy, các khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của ABBank đạt 154.344 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 90.374 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022; huy động vốn đạt 95.754 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái và chưa đạt 50% kế hoạch so với mức mục tiêu 8.700 tỷ đồng của năm 2023.

TPBank cho biết tổng tài sản tính đến cuối tháng 6 đạt gần 343.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ; tổng huy động đạt trên 302.000 tỷ đồng, tăng 9,6%; tổng dư nợ trên thị trường 1 tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đạt mức gần 7%.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận quý II và lũy kế 6 tháng đều giảm mạnh. Cụ thể, LPBank ghi nhận lợi nhuận quý II chỉ ở mức 880 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ, kéo theo lợi nhuận ngân hàng lũy kế 6 tháng chỉ đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022 và mới hoàn thành được 41% kế hoạch năm.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm thu nhập lãi thuần gần 12% so với cùng kỳ và khoản lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản LPBank đạt 350.243 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm; huy động vốn đạt hơn 267.133 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 253.419 tỷ đồng.

Nợ xấu tại LPBank tăng mạnh tới 65% lên 5.656 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 80% lên 2.438 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,46% hồi đầu năm lên 2,23% vào cuối tháng 6.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), lợi nhuận trước thuế quý II/2023 cũng sụt giảm 25% so với cùng kỳ, chỉ đạt 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ kết quả tích cực của quý I nên lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BacABank vẫn tăng trưởng dương ở mức 10%, đạt 474 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của BacABank đạt 135.266 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,6% lên 96.595 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 8,7% lên 105.366 tỷ đồng.

 

Nợ xấu của ngân hàng tăng 32% trong 6 tháng lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 316% lên 175 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 0,55% lên 0,7%. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đạt 158% tại ngày 30/6/2023.

Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc. Ảnh: BNEWS phát
Thu nhập lãi thuần sụt giảm cùng với nợ xấu tăng cao là tín hiệu phản ánh tình hình hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn, khiến dòng tiền lãi và gốc vay khó trở lại ngân hàng.

Bên cạnh đó, ở nửa còn lại của bức tranh vẫn có một số ngân hàng ghi nhận kết quả tích cực sau 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) kết thúc 6 tháng đầu năm đạt 3.548 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 14,5% so với cùng kỳ, hoàn thành 56% kế hoạch năm.

Kết quả này đến từ sự tăng trưởng ổn định của thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi. Trong đó, tổng thu thuần của MSB trong 6 tháng đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ 2022; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh hơn 86%, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động đạt trên 31%. Biên lãi ròng (NIM) lũy kế 4 quý gần nhất của ngân hàng đạt 4,26%, tiếp tục ổn định ở mức cao trên thị trường.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của MSB đạt hơn 237.800 tỷ đồng, tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2022. Tổng cho vay khách hàng đạt gần 136.600 tỷ đồng, tăng 13,2% so với đầu năm 2023, cao hơn mức trung bình toàn ngành. Tiền gửi khách hàng lũy kế 6 tháng ghi nhận gần 126.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,8% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tại 30/6/2023 của MSB được kiểm soát ở mức 1,73%.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lợi nhuận trước thuế  tính đến ngày 30/06/2023 đạt 4.755 tỷ, tăng 63,5% so cùng kỳ, đạt 50,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Tổng tài sản của Sacombank tăng hơn 5% so đầu năm lên mức hơn 622.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời tăng 7,5%.

Tổng huy động đạt hơn 549.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng đạt hơn 460.000 tỷ đồng, tăng gần 5% nhờ tích cực triển khai các gói cho vay ưu đãi với quy mô hơn 25.000 tỷ đồng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Sacombank cũng đẩy mạnh thu hồi, xử lý nợ xấu với số thu gần 2.700 tỷ nợ gốc và lãi tồn đọng, nâng tổng mức thu hồi xử lý lũy kế từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu lên gần 90.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 2%.

Cũng ghi nhận tăng trưởng dương, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) công bố lợi nhuận trước thuế quý II đạt 150 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022, thực hiện 57% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản PG Bank giảm 4% so với đầu năm, đạt 46.986 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% lên 30.249 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 0,1% xuống 31.228 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số dư nợ xấu của PG Bank tại thời điểm cuối tháng 6/2023 lên mức 839,9 tỷ đồng, tăng 12,8% so với hồi đầu năm, chiếm 2,77% trong tổng dư nợ cho vay. Tuy nhiên, ngân hàng lại giảm chi phí dự phòng rủi ro 39% xuống còn 87 tỷ đồng.

Dự báo triển vọng nửa cuối năm 2023, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Con số này giảm đáng kể so với mức tăng trưởng bình quân gần 35% trong năm trước.

Theo VCBS, một trong những nguyên nhân chính của sự giảm tốc này đến từ hoạt động xử lý nợ xấu để thu hồi vốn của các ngân hàng đang tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng. Trong khi đó, bất động sản lại là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng thấp, NIM thu hẹp cũng tác động không nhỏ đến lợi nhuận toàn ngành.

VCBS còn cho rằng sẽ có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng và sự phân hóa này càng tiếp tục mạnh mẽ hơn trong năm 2024. Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2024 nếu thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô trên thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, đồng thời với việc các thông tư và chính sách hỗ trợ hết hiệu lực.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 7,73%, thấp hơn rất nhiều so với nửa đầu năm 2022, nguyên nhân là do cầu tín dụng giảm mạnh, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Định hướng trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho biết ngân hàng đặt mục tiêu gia tăng nguồn thu ngoài lãi bên cạnh việc duy trì mảng kinh doanh cốt lõi. Sự chuyển dịch này phù hợp với chiến lược hiện tại của MSB khi giảm tỷ trọng kinh doanh lĩnh vực tiềm ẩn biến động, đồng thời tối ưu hóa nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ thẻ, thanh toán, kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ ngân hàng đầu tư…

"Việc sở hữu cơ cấu thu nhập có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng bền vững, ổn định hơn trong dài hạn", ông Linh chia sẻ.

Còn tại Sacombank, đại diện ngân hàng cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, quyết liệt triển khai các giải pháp để xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng; hoàn thiện dự án Ngân hàng hợp kênh (Omnichanel), tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công cụ lưu trữ, tiếp nhận và xử lý quy trình tự động; triển khai Basel III và nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục