Ngân hàng Việt hấp dẫn dòng vốn ngoại

17:47' - 20/07/2023
BNEWS Nhiều ngân hàng Việt đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài là các ngân hàng, tập đoàn tài chính lớn.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) vừa công bố thông tin về kế hoạch phát hành riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,63% lượng cổ phiếu SSB đang lưu hành và hơn 3,7% sau khi hoàn thành phát hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

 
Dự kiến quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển) sẽ là đối tượng chào bán lần này và số cổ phiếu trên bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm, kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán.

SeABank cho biết giá chào không thấp hơn giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2022 đã kiểm toán là 12.861 đồng/cổ phiếu. Giá bán cao nhất là dự kiến là 37.032 đồng/cổ phiếu. Số tiền SeABank thu về từ thương vụ này ước tính tối thiểu là 1.216,7 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.

Cũng đang trong tầm quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài còn có Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB, mã chứng khoán: SHB). Mới đây, Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết SHB sẽ thực hiện các bước chuẩn bị để chào bán 20% vốn cổ phần cho một đối tác chiến lược. Danh tính các bên liên quan vẫn chưa được tiết lộ nhưng nhiều thông tin bên lề cho biết một số nhà đầu tư tiềm năng từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những cuộc tiếp xúc với SHB.

Giá trị của thỏa thuận này dự kiến khoảng từ 2-2,3 tỷ USD và sẽ hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại SHB mới khoảng 7%, còn cách rất xa mức trần 30% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đây là một cơ hội hấp dẫn đối với dòng vốn ngoại và như Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB Đỗ Quang Hiển từng ví ngân hàng này như một cô gái đẹp đang có rất nhiều "chàng trai" từ các quốc gia muốn "kết hôn".

"Nhưng SHB muốn chọn "chàng rể" chung thủy, cùng đi chặng đường dài. Dù vậy, để đi cùng 10-20 năm là không dễ dàng", Chủ tịch SHB chia sẻ.

Ông cũng tiết lộ đã tiếp xúc sâu hơn với các tập đoàn tài chính nước ngoài, dự kiến trong năm nay hoặc đầu năm sau SHB sẽ có một chàng rể ngắn và trung hạn.

Trước đó, SHB vừa hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của Công ty Tài chính TNHH MTV SHB (SHBFinance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan (thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG, Nhật Bản) sau hơn 1 năm kể từ khi SHB và Krungsri ký hợp đồng chuyển nhượng vốn. Hai bên sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại sau 3 năm theo thỏa thuận đã ký.

Krungsri từng tiết lộ ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD cho thương vụ, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng.

Ông Đỗ Quang Vinh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SHB cho biết: Nguồn thặng dư từ thương vụ cũng giúp SHB tăng cường bộ đệm vốn, một trong những cơ sở để đẩy nhanh lộ trình triển khai Basel III và áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong năm 2023.

Đồng thời, giao dịch này sẽ mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB, tạo thêm nguồn lực để ngân hàng tăng cường năng lực tài chính, đầu tư hơn nữa cho quá trình chuyển đổi số...

Cổ phiếu SSB và SHB cũng là 2 mã vừa lọt vào rổ chỉ số VN30 trong đợt công bố danh mục mới nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE). Theo giới đầu tư, việc xuất hiện trong VN30 sẽ tăng sức hấp dẫn và giá trị của các cổ phiếu này.

Còn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB), hơn 1,19 tỷ cổ phiếu sẽ được chào bán riêng lẻ cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản.

Số cổ phiếu trên tương đương 17,734% lượng cổ phần đang lưu hành của VPBank và 15% lượng cổ phiếu lưu hành sau khi chào bán thành công. VPBank cho biết thời gian thực hiện trong quý III, quý IV/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SMBC mua cổ phần của VPBank và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Với giá phát hành dự kiến 30.159 đồng/cổ phiếu, VPBank dự kiến thu về hơn 35.900 tỷ đồng (1,5 tỷ USD), vốn điều lệ sẽ tăng thêm 11.905 tỷ đồng. Thương vụ này xác lập kỷ lục mới về giá trị chuyển nhượng trong ngành ngân hàng.

Trước VPBank, quy mô thỏa thuận đầu tư chiến lược lớn nhất thuộc về thương vụ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hồi tháng 11/2019. BIDV đã phát hành riêng lẻ thành công cho Ngân hàng KEB Hana Bank (Hàn Quốc) hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng, tăng quy mô vốn điều lệ từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng.

Chưa dừng ở đó, BIDV còn đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, thời gian qua đã có những điều không thuận lợi làm chậm kế hoạch phát hành, tuy nhiên BIDV vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này và đang có một số nhà đầu tư tiềm năng.

"BIDV sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023", ông Tú nhấn mạnh.

Tương tự, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) và Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng cho biết đang có kế hoạch tăng vốn thông qua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, Vietcombank dự kiến phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài, sẽ thực hiện trong năm nay hoặc năm 2024; còn LPBank sẽ phát hành 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá các ngân hàng, tập đoàn tài chính nước ngoài có kinh nghiệm và đi trước nhiều năm nên khi rót vốn vào ngân hàng nội sẽ phải cân nhắc để dòng tiền phát huy hiệu quả, giúp nâng cao khả năng quản trị và điều hành, chuyển đổi số tại các tổ chức tín dụng.

Hiện nhiều ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại. Tuy nhiên vẫn còn một số ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp như tại SeABank, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank)... Đây là một trong những yếu tố giúp ngân hàng Việt ngày một hấp dẫn hơn nữa dòng vốn ngoại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục