Đan nan cót thành nghề cho dân Quốc Oai nguồn thu chính

07:31' - 01/09/2018
BNEWS Dù chỉ là nghề phụ, nhưng đan nan cót xuất khẩu tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) đang là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân nơi đây vào những khi nông nhàn.

Làng đan nan cót ở xã Tuyết Nghĩa chỉ là 1 trong 16 làng nghề truyền thống của huyện Quốc Oai đang có những bước phát triển ổn định. Ngoài ra, các làng nghề khác của huyện còn tập trung vào các mặt hàng như đồ gỗ, mộc dân dụng, dệt len, chế biến nông sản…

Hiện nay, huyện Quốc Oai có 61/94 làng có nghề; trong đó, 16 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Các làng nghề đang tạo việc làm cho khoảng 3.500 hộ dân với trên 11.400 lao động. Thu nhập bình quân của lao động tại các làng nghề đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Một số làng nghề có doanh thu cao trên 120 tỷ đồng/năm đang tiếp tục phát triển mạnh như: Tân Hòa, Cộng Hòa, Ngọc Than, Phú Mỹ, Yên Quán, Ngô Sài. Tăng trưởng bình quân của các làng nghề tại huyện Quốc Oai trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 6,8%/năm.

Bác Phạm Văn Muôn ở xã Tuyết Nghĩa cho biết, gia đình đã làm nghề đan nan cót xuất khẩu này từ lâu. Đây là nghề phụ của làng được bà con làm trong những lúc nông nhàn, nhưng cho thu nhập ổn định nên giúp người dân có một cuộc sống khá giả. Mỗi năm nghề đan nan cót xuất khẩu cho gia đình thu nhập từ 200 triệu đến 300 triệu đồng.

Cũng giống như gia đình bác Muôn, hộ ông Nguyễn Văn Phúc là một trong những hộ làm nghề đan nan cót lâu năm nhất của làng. Hiện gia đình ông có trên 10 nhân công làm việc thường xuyên. Do diện tích khu xưởng hạn chế, ông thuê khoán trên 100 hộ đan lát sản phẩm tại nhà, rồi tới thu mua. Ông Phúc cho hay, trừ các khoản chi phí sản xuất, lợi nhuận những năm gần đây từ nghề đan lát không dưới 250 triệu đồng/năm.

Hiện nay, làng Muôn xã Tuyết Nghĩa có khoảng 235 hộ; nhà nào cũng có từ 1 - 2 người tham gia làm nghề. Dù chỉ là nghề phụ nhưng đan nan cót xuất khẩu đang là nguồn thu chính của nhiều người dân nơi đây những khi nông nhàn. Một lao động bình thường có thể làm ra số sản phẩm quy đổi bằng tiền công khoảng 60.000 đồng/ngày.

Đối với thợ lành nghề, việc kiếm được trên dưới 100.000 đồng/ngày không phải quá khó. Nhờ nghề đan nan cót, thu nhập của một bộ phận người dân đã được cải thiện đáng kể, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người xã Tuyết Nghĩa lên mức 33 triệu đồng/người/năm.

Mặc dù nghề đan nan cót xuất khẩu đem lại thu nhập ổn định cho người dân, nhưng để phát triển bền vững cho làng nghề, bác Phạm Văn Muôn cho rằng, thành phố cần hỗ trợ liên kết tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nan cót cũng như tiếp tục quan tâm, triển khai sâu rộng, thường xuyên các chính sách về vay vốn, đào tạo nghề, hướng tới việc phát triển, mở rộng những công xưởng đan nan cót có quy mô lớn hơn. Đó là cách tốt nhất để phát huy hiệu quả kinh tế của làng nghề truyền thống, thu hút lao động và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.

Nghề đan nan cót không gây ô nhiễm môi trường nhưng các làng nghề khác như hàng đồ gỗ, mộc dân dụng, dệt len, chế biến nông sản... lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy, người dân huyện Quốc Oai đang phải đối mặt vấn nạn ô nhiễm do phát triển làng nghề gây ra.

Điển hình như làng nghề sản xuất, chế biến tinh bột dong, nấu nha, làm miến tại các xã Tân Hòa, Cộng Hòa thải ra môi trường một lượng lớn chất thải, nước thải nhưng đều không qua xử lý, thải trực tiếp ra cống rãnh chung của xã gây mùi hôi thối rất khó chịu.

Riêng trên địa bàn xã Tân Hòa vẫn còn 50-70 hộ chuyên sản xuất, chế biến tinh bột dong, nấu nha, làm bún. Các hộ sản xuất mạnh nhất dịp 3 tháng cuối năm, trung bình mỗi ngày chế biến khoảng 500 tấn bột dong, với lượng rác thải tương ứng khoảng 200 tấn/ngày.

Tương tự, tại xã Cộng Hòa, mặc dù các hộ sản xuất tinh bột và làm miến đã giảm mạnh so với trước nhưng quy mô sản xuất lớn hơn, khoảng 10-20 tấn sắn/ngày, nên lượng chất thải rất lớn. Vào lúc cao điểm, do mặt bằng chật hẹp, các hộ đắp đống bã sắn ven đường.

Nhằm giải quyết bài toán trên, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép thành lập 2 cụm công nghiệp làng nghề tập trung tại xã Nghĩa Hương (rộng 11,4 ha) và thị trấn Quốc Oai (rộng 10,54 ha). Những năm qua, Hà Nội cũng hỗ trợ huyện Quốc Oai phát triển thương hiệu làng nghề mộc dân dụng Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ) và đặc sản miến làng So tại hai xã: Tân Hòa, Cộng Hòa. Nhờ có thương hiệu, sản phẩm của hai làng nghề trên đã tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư của Trung ương và thành phố Hà Nội cũng được huyện Quốc Oai tập trung triển khai có hiệu quả. Điển hình như Dự án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề gắn với du lịch, phát triển nghề mới; hay đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”...

Cùng với quy hoạch vùng sản xuất, để đạt mục tiêu đến năm 2020, có 80% số làng trên địa bàn huyện có nghề, nâng cao giá trị các làng nghề truyền thống, huyện cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành tăng cường truyền nghề, nhân cấy nghề; hỗ trợ quản trị và khởi sự doanh nghiệp cho các cơ sở sản xuất; đồng thời, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu, gắn với đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại, để sản phẩm làng nghề huyện Quốc Oai từng bước vươn xa.

Ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, huyện phấn đấu đến năm 2020, sẽ hoàn thành 4 cụm công nghiệp làng nghề tập trung tại các xã: Ngọc Mỹ, Liệp Tuyết, Tân Hòa và Sài Sơn. Đồng thời, xây dựng hai khu xử lý nước thải tập trung tại các xã Tân Hòa và Cộng Hòa.

Đây sẽ là điều kiện cần thiết để địa phương phát triển bền vững các làng nghề truyền thống; thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm góp phần hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao, kết hợp với yếu tố văn hóa vùng miền, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu./.

>>> Thăm làng nghề chế biến long nhãn ở thành phố Hưng Yên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục