Đang có sự phân hóa giữa các ngân hàng thương mại

10:16' - 17/10/2018
BNEWS Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, các ngân hàng thương mại hiện đang có sự phân hóa giữa các nhóm. Một số ngân hàng đã hết room tín dụng, trong khi nhiều ngân hàng thương mại vẫn chưa sử dụng hết.
Diễn biến của thị trường tiền tệ những tháng cuối năm được dự báo là rất khó lường. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Có thể nhận thấy bên cạnh những khả quan trong điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay của Ngân hàng Nhà nước thì những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và những vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn làm nảy sinh những câu hỏi như: Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam có tăng hay không? Dòng vốn tín dụng sẽ hướng vào sản xuất hay chảy sang các thị trường đầu cơ như chứng khoán và bất động sản? Câu chuyện biến động tỷ giá thì sẽ được đối mặt ra sao và diễn biến thị trường tiền tệ từ nay cho đến những tháng cuối năm sẽ như thế nào?

Xoay quanh những câu hỏi này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh.

Phóng viên: Xin ông cho biết những nhận định khái quát về thị trường tiền tệ thời gian qua?

TS. Vũ Đình Ánh: Có thể nói, thị trường tiền tệ trong 9 tháng vừa qua đã có sự phát triển tương đối ổn định. Mặc dù có nhiều yếu tố có thể gây ra những biến động trên thị trường tiền tệ tuy nhiên các chỉ số lớn như tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng vốn huy động, tăng trưởng tín dụng... đều có bước tăng trưởng đều đặn. Đặc biệt, liên quan tới các chỉ số quan trọng và cơ bản của thị trường tiền tệ như lãi suất, bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay hay tỷ giá hối đoái, chúng ta cũng nhận thấy cũng có sự ổn định như vậy.

Phóng viên: Câu chuyện biến động tỷ giá luôn tâm điểm hút sự quan tâm của dư luận. Những biến động này bắt nguồn từ đâu và đã có tác động như thế nào đến Việt Nam, thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Tỷ giá hối đoái là một trong những chỉ số kinh tế vĩ mô mà chúng ta đặc biệt quan tâm. Thứ nhất, nó liên quan rất lớn đến độ mở của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, cần phải điều hành tỷ giá hối đoái làm sao để đồng thời khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Vấn đề thứ hai tác động rất mạnh là biến động của kinh tế và tài chính quốc tế. Hàng loạt các nước, từ các nước phát triển cho tới các nước đang phát triển đều đối mặt với vấn đề về biến động tỷ giá hối đoái. Mối tương quan giữa các đồng tiền không chỉ liên quan đến sự biến động giữa các thị trường kinh tế, thị trường tài chính như các năm trước mà gần đây là các cuộc chiến tranh thương mại có nguy cơ trở thành cuộc chiến tranh tiền tệ mở rộng đang khiến cho tỷ giá hối đoái có thể phải đối mặt với những biến động rất lớn.

Thứ ba là trong bối cảnh Việt Nam hiện vẫn duy trì mức trần lãi suất huy động bằng ngoại tệ mà chủ yếu là USD ở mức 0% trong khi đó Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất cơ bản kéo theo đó giá trị đồng USD trong mối tương quan với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, cả với đồng Việt Nam đều chịu áp lực và sẽ phải điều chỉnh.

Phóng viên: Trước những áp lực như vậy, ông đánh giá ra sao về việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam?

TS. Vũ Đình Ánh: Chúng ta đã nhất quán và kiên định chính sách điều hành tỷ giá hối đoái chủ động và linh hoạt. Đến cuối tháng 9/2018, dù có nhiều biến động mạnh hơn so với năm 2017 nhưng chỉ số giá đồng USD cũng mới chỉ tăng 2,6% so với cuối năm 2017. Đó có thể coi là một sự thành công. Trong khi đó, nhìn sang một số nước trong khu vực và trên thế giới, thậm chí giá trị đồng tiền của họ so với đồng USD có những nước biến động tới 10%.

Trong thời gian qua, một mặt chúng ta chủ động điều chỉnh tỷ giá hối đoái để phù hợp với biến động của đồng USD hay các đồng tiền chủ chốt trên thế giới khi chúng ta lựa chọn tới 8 đồng tiền trong rổ tiền để tính tỷ giá hối đoái. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan chức năng có sự kiểm soát thị trường ngoại hối nhất là thị trường ngoại hối phi chính thức. Trong một thời gian dù rất ngắn có những biến động khá đột ngột nhưng cơ quan quản lý đã có những biện pháp khá phù hợp để thị trường này quay lại sự ổn định.

Và đặc biệt, NHNN đã có thời điểm mạnh dạn bán ra lượng ngoại tệ nhất định nhằm giúp ổn định thị trường, đặc biệt là ổn định tâm lý. Cùng với đó là các biện pháp kiểm soát các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính có liên quan đến nghiệp vụ ngoại hối.

Một điểm nữa không thể bỏ qua là điều chỉnh tỷ giá trong bối cảnh như vậy nhưng chúng ta lại có lượng dự trữ ngoại hối cao kỷ lục tới hơn 60 tỷ USD. Đây vừa là thành công trong việc điều hành chính sách tỷ giá hối đoái và thị trường ngoại hối nhưng cũng là thành công giúp ta có tiềm lực để sẵn sàng can thiệp vào thị trường khi cần thiết.

 TS. Vũ Đình Ánh đánh giá thị trường tiền tệ trong 9 tháng vừa qua đã có sự phát triển tương đối ổn định. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Sau hơn một năm Nghị quyết 42/2017 về xử lý nợ xấu có hiệu lực, thực trạng nợ xấu hiện nay ra sao và câu chuyện xử lý nợ xấu đang được thực hiện có hiệu quả không thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Đánh giá một cách khái quát thì tình trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng đã có một bước xử lý rất cơ bản. Các chỉ số về nợ xấu của các ngân hàng thương mại và toàn hệ thống hiện đã được kéo về mức phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế (dưới 3%/tổng dư nợ cho vay).

Tiếp đó là các biện pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt từ khi Nghị quyết 42 được ban hành, chúng ta đã có thêm công cụ xử lý nợ xấu hiệu quả hơn giúp giải quyết dứt điểm nợ xấu, đảm bảo lộ trình Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020".

Bên cạnh các biện pháp truyền thống, các ngân hàng thương mại trong một vài năm lại đây đã rất nỗ lực trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng trích lập đó để giảm nợ xấu; đồng thời đã xử lý được một lượng nợ xấu không nhỏ, thông qua các tài sản đảm bảo, thế chấp chủ yếu là bất động sản.

Một điểm nữa trong Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020" đáng lưu tâm đó là không chỉ xử lý cục nợ xấu trước đó mà hiện nay các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đã rất nỗ lực áp dụng các chuẩn mực quốc tế về quản lý rủi ro để kiểm soát, không làm phát sinh nợ xấu mới. Đây là những thành công đáng ghi nhận.

Phóng viên: Thống đốc NHNN đưa ra thông điệp về kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, không nới thêm. Vậy câu chuyện tăng trưởng tín dụng cần phải hiểu như thế nào, thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Tính đến cuối tháng 9/2018, tăng trưởng tín dụng mới đạt 9,52%, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,74%, vốn huy động tăng 9,15%, thấp hơn mức tăng tổng tín dụng trong nền kinh tế. Cả 3 con số này đều thấp hơn cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy việc kiểm soát tổng thể các chỉ số chung và các chỉ số riêng về tổng tín dụng cho nền kinh tế là khá tốt.

Tôi chia sẻ với thông điệp của Thống đốc rằng phải kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là không quá 17%. Bởi với một lượng vốn như vậy, từ nay đến cuối năm áp lực để đưa nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế phải đảm bảo hiệu quả, không tăng trưởng nóng. Đặc biệt không ảnh hưởng đến kế hoạch kiểm soát và xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại. Đây là ưu tiên hàng đầu.

Các ngân hàng thương mại hiện đang có sự phân hóa giữa các nhóm. Một số ngân hàng hiện đã sử dụng hết room tín dụng và đang có đề xuất mở rộng, gắn tăng tín dụng với tăng vốn điều lệ, đảm bảo quy định về an toàn hệ thống. Mặt khác, nhiều ngân hàng thương mại hiện đang loay hoay xử lý các vấn đề nội tại, xử lý nợ xấu, thậm chí tình hình tài chính không tốt nên room tín dụng được giao chưa đạt yêu cầu. Điều này liên quan đến việc quản lý; đồng thời cũng liên quan đến lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng.

Phóng viên: Biến động địa chính trị - kinh tế thế giới từ nay đến cuối năm được dự báo là rất khó lường. Ông nhận định ra sao về những diễn biến của thị trường tiền tệ trong nước?

TS. Vũ Đình Ánh: Với những biến động trên thị trường thế giới kể cả về thương mại, hàng hóa, dịch vụ và ngay cả thị trường tài chính tiền tệ, tôi cho rằng sẽ còn xuất hiện những biến động căng thẳng hơn, tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và sự vận động của thị trường tài chính tiền tệ nói riêng từ nay đến cuối năm.

Trong bối cảnh kết thúc 3 quý đầu năm 2018, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô như các chỉ số về tài chính tiền tệ đều rất khả quan. Để đối phó với những biến động này, trước hết cần quan tâm đến những diễn biến, mức độ, khả năng mở rộng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bởi lẽ cả Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đồng thời cũng là những đối tác đầu tư rất quan trọng của Việt Nam. Đây là vấn đề đầu tiên cần quan tâm, kéo theo đó là việc điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá hối đoái sẽ phải đặt trong mối quan hệ với các biến động trong thương mại và đầu tư này.

Thứ hai là các dòng vốn trên thế giới hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển từ các nước đang phát triển quay ngược trở lại các nước phát triển, chủ yếu là do các chính sách của Mỹ nên các dòng vốn đang có xu hướng quay lại thị trường này. Đối với Việt Nam, dù môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện và với vị trí, vị thế của Việt Nam thì ít bị ảnh hưởng bởi các dòng vốn đảo chiều. Tuy nhiên chắc chắn chúng ta vẫn phải có các phương án dự phòng.

Do đó, cần tiếp tục xây dựng phương án làm sao tối đa hóa lợi ích, đồng thời giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại xảy ra từ biến động của thị trường quốc tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

>>> Nguy cơ lớn từ cuộc khủng hoảng tại các thị trường mới nổi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục